Ngày 1/11, tại buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các địa phương miền Trung vùng thiên tai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Điều quan trọng nhất là phải có biện pháp thiết thực để xử lý tình hình trong bối cảnh thiệt hại về người và tài sản rất lớn. Về lâu dài, phải có quy hoạch phù hợp bảo đảm an toàn cho người dân chứ không phải “nóng đâu, phủi đó”. Địa phương tiếp nhận các nguồn viện trợ cần công khai, minh bạch, có tiền đến đâu, hỗ trợ nhanh cho người dân đến đó.
Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Để bảo vệ dân thì phải chủ động di dân ra khỏi vùng ảnh hưởng thiên tai.
Hiện các tỉnh miền Trung đang phải dồn sức nỗ lực khắc phục hậu quả bão lụt, nhất là ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trong cơn nguy khốn, lương thực, thực phẩm, áo quần đã được chuyển đến vũng bão lũ, để người dân không bị đói rét, có sức cầm cự mà gượng dậy.
Tới thời điểm này việc cứu trợ vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, hình thức cứu trợ, hỗ trợ cũng đang chuyển dịch cho phù hợp.
Nếu như khi bị cô lập, bị nước lũ cuốn trôi nhà cửa, bị đồi núi sạt lở vùi lấp… người dân cần những gói mì tôm, những túi xúc-xích, những chai nước lọc… thì bây giờ người dân cần gạo cho những bữa ăn hàng ngày, cần tôn để lợp lại nhà, cần tiền để mua lại trang thiết bị tối thiểu cho sinh hoạt, cần thuốc trừ bệnh tật, cần các điều kiện để lũ trẻ lại được đến trường… Và rất quan trọng là cần một chỗ để định cư an toàn, lâu dài.
Ở đây, xin được nói về thuốc chữa trị bệnh tật, hỗ trợ cho trẻ đến trường và đất để người dân dựng lại nhà.
Con nước rút đi nhưng bệnh tật thì ở lại. Người dân vùng lũ bao giờ cũng phải đối mặt với nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, bệnh tật phát sinh (bệnh ngoài da, bệnh đường tiêu hóa, bệnh về mắt…).
Khi nhà cửa, tài sản, hoa màu đã bị mất trắng thì người dân trong vùng thiên tai cũng không còn tiền để mua thuốc. Vì thế, bà con cần được hỗ trợ kịp thời những loại thuốc thông dụng nhưng rất cần thiết ấy. Mà điều đó thì chỉ có chính quyền địa phương, ngành y tế mới lo được.
Về học hành, nước lũ cũng đã cuốn trôi, làm hư hỏng sách vở, đồ dùng học tập của các em. Cha mẹ không thể ngay tức thì mua sắm lại được cho con cái. Các em đến trường với nhiều thiếu thốn. các em cũng không đến trường chỉ để học “chay”.
Các em cần phải được giúp đỡ. Trong đợt lũ lụt trước (giữa tháng 10), nhiều trường đại học đã miễn giảm học phí, cấp học bổng cho sinh viên nghèo miền Trung. Có trường ủng hộ bằng cách này lên tới 6 tỷ đồng. Hành động nhân ái, nghĩa tình đó được xã hội hoan nghênh, vì nó hết sức thiết thực, thấm đẫm tình người.
Với những em nhỏ (từ mẫu giáo cho tới trung học phổ thông) sống trong vùng lũ, cũng rất cần được hỗ trợ “ngay và luôn”. Như đã nói, đó là sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập. Việc đó với mỗi gia đình là khó nhưng với chính quyền địa phương, với ngành giáo dục thì có thể nói là “trong tầm tay”, chỉ cần trách nhiệm được nâng cao hơn và lòng người cũng rộng rãi hơn.
Ổn định cuộc sống nhân dân vùng thiên tai, xét cho cùng cũng không phải là chuyện phải chờ đợi quá lâu. Người dân đã được di dời khỏi những nơi nguy hiểm (ven sông ven suối, dưới chân đồi núi, ở những vùng đất nhiều nguy cơ sạt lở), thì cùng đó phải là cấp cho họ đất ở nơi an toàn, rồi nhanh chóng dựng lại nhà.
Trong việc này, trách nhiệm của chính quyền địa phương rất lớn. Đã nhiều năm rồi, mỗi khi mưa bão lũ lụt, lại có nhà bị lũ cuốn trôi, lại có nhà bị đất vùi lấp, lại có người chết. Chỉ vì họ phải sống ở những nơi nhiều bất trắc.
Nếu cứ mãi loay hoay với những quy định này quy định khác mà không kiên quyết di dời, cấp đất làm nhà cho dân thì tai họa vẫn cứ lặp đi lặp lại. Rồi lại cứu trợ, lại xót thương, những dòng nước mắt vẫn theo đó mà chảy dài.
Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là phải hỗ trợ nhanh cho người dân vùng lũ. Nhanh cả trong cơn nguy khốn để không ai bị đói rét, màn trời chiếu đất; và cũng phải hỗ trợ nhanh, thiết thực để người dân có sức gượng dậy, bước tiếp, xây dựng lại cuộc sống.
Trước hết đó là trách nhiệm của các cấp chính quyền, từ Trung ương xuống tới địa phương, nhưng trách nhiệm của địa phương là rõ nhất vì họ gần dân nhất, hiểu những vất vả cơ cực của người dân nhất và cũng biết người dân cần được hỗ trợ gì nhất.
Nếu người làm cán bộ ngại trách nhiệm, hay chỉ nhạt lòng một chút thôi thì người dân sẽ khốn khổ, nỗi khổ kéo dài.
Không để nỗi khổ của người dân vùng thiên tai kéo dài, đòi hỏi trách nhiệm và tấm lòng người cán bộ. Và cũng chính lúc này, người dân trông cậy vào họ rất nhiều.