Trên thực tế, việc đốt rơm rạ của người dân “lợi ít, hại nhiều” khi mà khói rơm khuếch tán bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường, ngoài ra còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Trong tuần vừa qua (từ ngày 13 đến 20/9), chất lượng không khí ở Hà Nội chủ yếu ở mức tốt, chỉ số AQI tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên, chất lượng không khí của Hà Nội suy giảm nghiêm trọng, nhiều khu vực có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức trung bình và kém trong ngày 21/9.
Đặc biệt, TP HCM và thành phố Hà Nội của Việt Nam đang đứng vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm không khí trên thế giới (theo AirVisual).
Theo đó, TP HCM đứng thứ nhất với chỉ số AQI là 172, Hà Nội đứng thứ 2 với chỉ số AQI là 158, đều ở ngưỡng đỏ, tương đương mức xấu, có hại cho sức khoẻ tất cả mọi người. Trong đó, chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn PM2.5.
Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cảnh báo, kể từ ngày 21/9, sau khi gió mùa Đông Bắc suy yếu sẽ xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt, trời âm u, nhiều mây, chất lượng không khí suy giảm nhanh.
Theo số liệu từ Cổng thông tin Quan trắc môi trường của TP Hà Nội, lúc 9h sáng 21/9, sắc vàng và da cam bao trùm ở hầu hết các khu vực, chỉ số chất lượng không khí ở mức trung bình và kém. Đây là mức chỉ số ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Nếu như tại Hà Nội, một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí đến từ việc đốt rơm rạ của người dân thì tại nhiều tỉnh phía Nam, tình trạng này lại đến từ ô nhiễm đô thị kết hợp với yếu tố thời tiết.
Trong ngày 21/9, tại khu vực TP HCM đã xuất hiện hiện tượng đặc quánh sương mù. Đáng ngại hơn, nhiều người còn cảm thấy khó chịu, cay mắt do lớp sương mù gây ra.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do vào buổi chiều TP HCM xuất hiện mưa trong khi ban ngày trời nắng khiến hơi nước bốc lên nhiều hơn.
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), thời điểm giao mùa như hiện nay, chất lượng không khí tại một số tỉnh miền Bắc có xu hướng suy giảm vào ban đêm, một trong những nguyên nhân chính là hiện tượng đốt rơm rạ diễn ra phổ biến. Việc rơm rạ thường được đốt vào buổi tối khiến các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18 giờ và đạt giá trị cực đại vào 20-22h hàng ngày.
Theo chu kỳ, cứ sau các vụ thu hoạch lúa, tình trạng đốt rơm rạ lại diễn ra phổ biến. Sau khi thu hoạch lúa, nông dân thường có thói quen đốt rơm rạ dọn đồng, chuẩn bị cho vụ mới với quan điểm đốt lấy tro bón cho đất cũng như giảm thiểu được chi phí, nhân công xử lý rơm rạ, đồng thời tiêu diệt được mầm mống dịch hại… Nhưng trên thực tế, việc này “lợi ít, hại nhiều” khi mà khói rơm khuếch tán bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường, ngoài ra còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Trước tình trạng diễn ra thường xuyên nhiều năm qua này, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo Chỉ thị trên, trước ngày 30/9/2020, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác theo quy định; đồng thời đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân đốt và giải pháp nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý rác thải và rơm rạ, phụ phẩm cây trồng trên địa bàn quản lý.
Trước ngày 31/12/2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng, nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng.