Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm HĐTV về Văn hóa – Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng: Trước mỗi kỳ Quốc hội, các đại biểu lại đi tiếp xúc cử tri, lắng nghe tình hình dư luận nhân dân để báo cáo với Quốc hội. Tuy nhiên, “Xuân thu nhị kỳ” nhiều đại biểu đi tiếp xúc cử tri nhưng ý kiến của nhân dân tại mỗi kỳ tiếp xúc không được giải quyết thấu đáo.
Thưa ông, nhiều cử tri cho rằng trước mỗi kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đều tổ chức các đoàn đi tiếp xúc cử tri để nắm bắt tình hình dư luận nhân dân nhưng nhiều ý kiến của người dân chưa được trả lời. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Ông Nguyễn Túc: Nhiều cử tri phản ánh rằng “xuân thu nhị kỳ” cứ thấy lặp đi lặp lại ý kiến của cử tri mà không thấy ý kiến nào được giải quyết. Trong số ý kiến của cử tri có thể phân ra nhiều loại, có loại có thể giải quyết ngay, có loại cần phải phối hợp giữa các ngành mới giải quyết được, có loại cần phải có Nghị quyết của Quốc hội, thậm chí là cần có Nghị quyết của Đảng. Đối với những ý kiến cử tri mà có thể giải quyết ngay, Mặt trận phải chủ động báo cáo với cấp ủy Đảng của từng địa phương và chủ động đề nghị để Mặt trận, các tổ chức thành viên, phối hợp với HĐND – UBND ở địa phương đó giải quyết dứt điểm.
Đối với loại ý kiến cần phối hợp một số ngành hoặc nhiều ngành thì vừa rồi Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ký Nghị quyết liên tịch với các Bộ, ban, ngành để cùng nhau giải quyết những vấn đề bức xúc trong dân. Điển hình như tình trạng người nông dân được mùa rớt giá, Mặt trận đã ký Nghị quyết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Công thương để cùng nhau giải quyết việc này.
Đối với loại ý kiến đòi hỏi có sự chỉ đạo của Trung ương thì hàng năm Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam có Nghị quyết liên tịch với Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để những Nghị quyết đó có hiệu lực, đi vào cuộc sống thì giữa năm Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có những cuộc rà soát để xem xét những kiến nghị của cử tri, những bức xúc của nhân dân được giải quyết đến đâu. Có làm như vậy dân mới tin vào Mặt trận, tin vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Muốn tạo được niềm tin mãnh liệt trong dân thì nói phải đi đôi với làm, trong đó Mặt trận phải thực hiện tốt Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về vấn đề giám sát và phản biện xã hội.
Hiện nay, những kiến nghị của cử tri ngoài tập trung vào nông nghiệp – nông thôn – nông dân và nhiều vấn đề dân sinh bức xúc khác thì những nội dung liên quan đến Biển Đông cũng được nhiều cử tri đề cập tới, thưa ông?
- Tôi nghĩ rằng, vấn đề Biển Đông rất thiêng liêng và quan trọng. Các thế hệ cha anh chúng ta cũng như thế hệ chúng tôi không tiếc xương máu, không ngại hy sinh gian khổ để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc với tiêu chí cao nhất mà Bác Hồ đã căn dặn “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Tổ quốc bao giờ cũng trên hết, lợi ích dân tộc bao giờ cũng trên hết. Đối với Trung Quốc chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh giải quyết vấn đề một cách có lý, có tình để vừa giữ được chủ quyền của dân tộc mình, vừa đảm bảo được tình hữu nghị lâu đời mà hai bên đã dày công vun đắp.
Những ý kiến của cử tri gửi tới Quốc hội thông qua kênh Mặt trận và Mặt trận đã làm hết sức mình để cùng với các Bộ, ngành giải quyết việc này. Để góp phần giải quyết nhanh hơn ý kiến của cử tri, theo ông, Mặt trận cần làm gì để nâng cao hơn nữa vai trò giám sát và phản biện?
- Theo tôi, việc sửa đổi bổ sung Luật Mặt trận đó là nguyện vọng không chỉ của những người làm công tác Mặt trận mà còn là yêu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân vì nó thể hiện quyền làm chủ của dân thông qua Mặt trận và các tổ chức thành viên để đáp ứng yêu cầu của dân. Việc này sẽ nâng vai trò của Mặt trận và làm cho các cơ quan của Nhà nước có trách nhiệm hơn đối với một tổ chức chính trị- xã hội rộng lớn, một tổ chức Liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, một tổ chức bao gồm toàn dân. Nếu Dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) được thông qua thì Mặt trận bao gồm các tổ chức thành viên của mình có điều kiện làm tốt hơn nữa vai trò bảo vệ, quyền lợi chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Trong suốt 10 năm qua, Đoàn Chủ tịch đã kiên trì thực hiện điều đó và đến giờ phút này đa phần các đại biểu kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII cơ bản đồng tình. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Trân trọng cảm ơn ông!