Khu vực doanh nghiệp (DN) tư nhân đang chiếm tới 97% DN đang hoạt động và trở thành động lực của nền kinh tế. Tuy nhiên khu vực DN này gặp khó do quy mô nhỏ, nền tảng công nghệ kém.
Khó khăn khi hoạt động
Theo ông Lương Văn Khôi - Giám đốc trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực tư nhân ngày càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Dù được khẳng định là khu vực quan trọng, số lượng DN gia nhập thị trường tăng nhanh nhưng phát triển không đồng đều, đa phần các DN ở quy mô nhỏ, năng suất thấp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét, năng lực khoa học công nghệ của các DN tư nhân còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; DN chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số DN FDI đầu tư tại Việt Nam có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn gần đây.
Nhiều DN còn nặng tư duy kinh doanh mang tính thời vụ, ngắn hạn, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhà nước, cộng đồng, xã hội còn hạn chế, nhất là về nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, chống gian lận thương mại... Tính liên kết, văn hóa hợp tác giữa các DN Việt Nam còn chưa cao, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển; chưa nhìn được giá trị lợi ích chung của việc hợp tác, liên kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn hơn.
Mới đây nhất, kết quả nghiên cứu về hoạt động của 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) cũng chỉ ra năng suất lao động của VPE500 không tăng nhanh như quy mô, cho thấy nhóm DN lớn đang phát triển dựa trên mở rộng sản xuất hơn là theo chiều sâu. Năng suất lao động của VPE500 chỉ tăng khoảng 5,3%/năm, không quá vượt trội so với mức 4,6% năm của DN tư nhân trong nước khác và thấp hơn tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN nhà nước.
Nhiều DN thừa nhận rằng, thời gian qua cơ quan quản lý cũng như Chính phủ đã rất nỗ lực cắt giảm các điều kiện kinh doanh, mở ra các chương trình hỗ trợ DN. Vậy nhưng, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh DN vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Đại diện Công ty May Hồ Gươm - một DN đang sở hữu 12 nhà máy ở các tỉnh phía Bắc, phát triển sang ngành hàng khác như nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản, trường đại học chia sẻ: Trong quá trình đầu tư, đại diện công ty này cho biết họ gặp vướng mắc về thủ tục hành chính trong giải phóng mặt bằng như chỉ vướng mắc một hộ dân cũng có thể không hoàn thiện thủ tục, khó hoàn tất dự án đầu tư. Bên cạnh đó là những khó khăn trong tiếp cận nguồn lực đất đai, thủ tục thuế quan, vay vốn kinh doanh (ngân hàng siết chặt hạng mục vay, thời gian chờ đợi lâu ảnh hưởng tới quá trình kinh doanh).
Mặt khác, văn bản giấy tờ không thống nhất, mỗi địa phương có thủ tục khác nhau, rườm rà, DN phải đi lại nhiều lần nên chi phí đội lên cao. DN tư nhân không thể phát triển được nếu môi trường kinh doanh có quá nhiều hạn chế. Đại diện May Hồ Gươm còn cho biết thực hiện thủ tục còn thiếu thống nhất, thời gian kéo dài. Hay nói nôm na là còn tình trạng thủ tục hành chính “rải thảm ở trên nhưng rải đinh ở dưới”.
Thêm chính sách hỗ trợ
Về chính sách hỗ trợ DN tư nhân, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặc biệt lưu ý tới việc tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, thực thi hiệu quả. Phải tạo sự liên kết giữa DN trong nước và quốc tế. Không nên hỗ trợ tràn lan, không có mục tiêu rõ ràng. Nhà nước cần tin tưởng, dựa vào DN để thực hiện, tạo lập môi trường cạnh tranh. Đặc biệt cần thiết kế chính sách để tạo không gian phát triển cho DN tư nhân. Bởi DN lớn cần chính sách phát triển hướng mạnh tới công nghệ cho giai đoạn mới, trong khi DN nhỏ lại chỉ chú trọng tới lợi nhuận, mưu sinh. Vì vậy, không thể đánh đồng không gian phát triển cho tất cả DN.
Còn ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (VINASME) khẳng định, để DN có thể mạnh dạn mở rộng quy mô đầu tư cũng như có thêm các phương án kinh doanh mới, các cơ quan nhà nước cần phải đảm bảo kiểm soát và quản lý điều hành để kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh tốt; chính sách pháp luật tốt; chi phí tuân thủ và thủ tục hành chính tốt; cơ sở hạ tầng luôn được cải thiện.
Theo đó, với việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các DN cho rằng điều này chính là giữ được nền tảng quan trọng để tạo các cơ hội, điều kiện là tiền đề cho sự phục hồi phát triển của cộng đồng kinh doanh cũng như “mạnh dạn” cho các hoạt động đầu tư để góp phần vào phát triển kinh tế cho năm 2022 và những năm tiếp theo trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động.
Để DN nói chung và DN tư nhân nói riêng phát triển mạnh, giới chuyên gia cho rằng các cơ quan quản lý cần tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thiện thể chế kinh doanh, trong đó tăng cường tư pháp và thực thi pháp luật được coi là biện pháp trung tâm của cải cách môi trường pháp lý kinh doanh. Bởi lẽ, kinh doanh và kinh tế thị trường đòi hỏi sự chắc chắn của pháp luật, DN khi muốn đầu tư cần phải dự đoán được những thay đổi của môi trường kinh doanh để chủ động trong mọi tình huống.