Dù là loại giấy tờ quan trọng, do Nhà nước cấp và quản lý rất chặt chẽ, song trên nhiều trang mạng cũng đã xuất hiện lời chào mời “chọn số đẹp cho căn cước công dân” với giá hàng chục triệu đồng.
Bị xử phạt vì đăng tin không đúng
Công an tỉnh Bắc Giang cho biết đơn vị vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với Trần Văn S. (29 tuổi, ở xã Song Mai, thành phố Bắc Giang) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên Facebook.
Trước đó, ngày 22/3, Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện trên Facebook có một tài khoản đăng bài viết với nội dung nhận làm căn cước công dân số đẹp với giá 40 - 50 triệu đồng. Cụ thể, bài viết có nội dung nhận làm căn cước công dân 4 số cuối cùng giống nhau (tứ quý) với giá khoảng 50 triệu đồng, 3 số cuối giống nhau (tam hoa) và số tiến (ví dụ 1234, 5678, 6789...) với giá khoảng 40 triệu đồng.
Qua xác minh, Phòng Cảnh sát hình sự xác định chủ tài khoản Facebook trên là Trần Văn S..Tại cơ quan Công an, S. khai nhận bản thân bán hàng online, làm cộng tác viên bán sim số đẹp trên Facebook.
Tương tự, Đ.T.T.D. (31 tuổi, trú phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk sử dụng trang Facebook của mình để đăng tải thông tin nhận làm số CCCD số đẹp. Phát hiện vụ việc trên, ngày 8/4, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đăk Lăk ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với D. vì đăng tải thông tin sai sự thật về CCCD.
Quá trình làm việc với cơ quan công an, D. khai nhận, bản thân không có mối quan hệ và khả năng tác động để làm căn cước công dân nhanh, số đẹp. Hiện D. đang bán hàng online trên trang Facebook cá nhân nên đã đăng tải bài viết trên nhằm mục đích câu like, thu hút người sử dụng mạng xã hội biết, để theo dõi trang Facebook của mình. Sau khi làm việc với Công an, D. nhận ra việc làm của mình là sai nên gỡ bài viết.
Không thể chạy được số CCCD đẹp
Thực tế thời gian gần đây, lợi dụng tâm lý muốn làm CCCD gắn chip nhanh và có số đẹp, nhiều đối tượng đăng tải thông tin trên mạng xã hội nhận làm dịch vụ CCCD gắn chip số đẹp khá công khai với các bước đơn giản như: Cung cấp địa chỉ quê quán trên CMND, họ và tên, quê quán. Sau đó bên nhận làm dịch vụ sẽ tra số và gửi số đẹp để khách hàng chọn lựa. Sau khi chọn được số đẹp, khách hàng chuyển khoản và nhận được lịch hẹn lên lăn tay. Thời gian dự kiến nhận được CCCD từ 10-15 ngày.
Theo thống kê của Bộ Công an, đến nay Công an 63 tỉnh, thành đã thu thập được hơn 15 triệu hồ sơ CCCD. Nhiều địa phương thực hiện tốt, vượt chỉ tiêu như Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Đắk Nông, Bình Phước, Bắc Kạn…
Theo Bộ Công an, trong đợt cao điểm cấp CCCD gắn chip đang diễn ra, các trường hợp được ưu tiên cấp gồm: Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CMND/CCCD, người được cấp CMND chín số, người được cấp CCCD 12 số, CCCD có mã vạch nhưng bị hỏng, mất, hết hạn sử dụng hoặc có thay đổi thông tin... cần thực hiện ngay việc cấp mới, cấp đổi sang CCCD gắn chip.
Trường hợp không thuộc các đối tượng trên, công dân chưa cần phải đi làm CCCD gắn chip ngay. Nếu công dân đó đã được cấp CMND/CCCD gắn mã vạch mà còn nguyên vẹn và còn thời hạn sử dụng thì các loại giấy tờ này vẫn còn giá trị sử dụng cho đến khi hết hạn.
Cũng theo Bộ Công an, dãy 12 chữ số trên CCCD chính là mã số định danh của công dân. Số định danh cá nhân được cấp ngẫu nhiên cho duy nhất một người, không thể cấp trùng nhau. Mã số định danh cá nhân gồm 12 chữ số, ba số đầu mặc định là mã 63 tỉnh, thành trong nước hoặc mã của 295 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ba số tiếp theo là xác định giới tính, năm sinh. Sáu số cuối là ngẫu nhiên. Với việc cấp ngẫu nhiên thì không thể có chuyện “chạy” hoặc “chọn” số CCCD đẹp.