Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, việc khảo sát phải được tiến hành kỹ lưỡng đảm bảo phản ánh sự hài lòng của doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế và hải quan…
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân
và nhiều lãnh đạo tham dự Hội thảo.
Chiều 12/12 tại Hà Nội, UBTW MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố báo cáo kết quả Chương trình phối hợp giám sát Thuế - Hải quan năm 2015.
Dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc.
Quyết liệt hoàn chỉnh các thủ tục thuế, hải quan
Phát biểu tại hội thảo. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao kết quả báo cáo phối hợp giám sát của 6 cơ quan, nỗ lực của ngành thuế, hải quan góp phần tạo nên những đổi mới có tính chất tiên phong trong quản lý nhà nước về kinh tế.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, kết quả của chương trình phối hợp giám sát trong thời gian hơn 1,5 năm qua, đại đa số doanh nghiệp đều khẳng định nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan đã có nhiều chuyển biến tích cực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ kết quả giám sát, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Tài chính có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giám sát thực hiện Nghị quyết 19 trong đó có làm rõ những việc đã đạt được và chưa đạt; đề nghị Ban chỉ đạo chương trình giám sát từ kết quả giám sát có kiến nghị với Chính phủ để có các giải pháp quyết liệt hơn nữa, hoàn chỉnh các thủ tục hải quan, thuế.
Về nhiệm vụ trong năm 2016, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị bên cạnh việc giám sát ở Trung ương, Ban chỉ đạo chương trình giám sát nên chọn 13 tỉnh thành phố lớn nơi có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, đóng thuế nhiều hoặc một số địa phương có cửa khẩu biên giới, các cảng lớn liên quan đến xuất, nhập khẩu để tiến hành triển khai phối hợp giám sát.
Cùng với đó việc khảo sát phải được tiến hành kỹ lưỡng đảm bảo phản ánh sự hài lòng của doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế và hải quan…
Giảm 420 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp
Báo cáo kết quả giám sát gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 19/2014/NQ-CP và gần 1 năm triển khai Nghị quyết 19/2015/NQ-CP cho thấy, trong việc cải cách thủ tục hành chính, ngành thuế và hải quan tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp khi thực hiện chính sách thuế, hải quan, để kịp thời đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn phù hợp với thực tế, yêu cầu và mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 19/NQ-CP đặt ra.
Công khai trên trang thông tin điện tử của các cục về các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, các văn bản liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan; đồng thời niêm yết công khai, rõ ràng, đầy đủ tại trụ sở các chi cục, bộ phận “một cửa” để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, giám sát thực hiện; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục giải đáp thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ thông tin để phục vụ cho việc tác nghiệp, quản lý điều hành của cơ quan, đơn vị…
Với những giải pháp đồng bộ về cải cách thể chế, chính sách, đơn giản hóa mẫu hồ sơ khai thuế và áp dụng khai thuế nộp thuế điện tử, trong 2 năm 2014 - 2015, số giờ nộp thuế của doanh nghiệp đã giảm được 420 giờ.
Đối với ngành Hải quan, đến nay, 100% các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc, 60,4 nghìn doanh nghiệp (chiếm 99,56%) tham gia thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Thời gian hàng hóa thông quan giảm bình quân từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày với nhập khẩu, giảm được 10-20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp.
Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, tính đến tháng 11/2015, đã kết nối chính thức với 9 Bộ đối với 22 thủ tục hành chính và có 20.591 hồ sơ xử lý qua cổng thông tin một cửa quốc gia…
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, kết quả từ công tác cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ cho thấy chủ trương cải cách lĩnh vực thuế và hải quan là cơ bản kịp thời, trúng và đúng hướng, đã góp phần quan trọng làm động lực phát triển nền kinh tế đất nước nói chung, thúc đẩy mục tiêu phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước được giao hàng năm nói riêng.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP vẫn còn những khó khăn, tồn tại.
Doanh nghiệp quan ngại về chi phí không chính thức
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI, kết quả khảo sát 180 tổ chức là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trên mọi vùng miền của đất nước về việc thực hiện Nghị quyết 19 trong lĩnh vực thuế và hải quan cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tác phong phục vụ của cán bộ ngành thuế khá tích cực. Về thái độ giao tiếp lịch sự, đúng mực, tôn trọng doanh nghiệp, 28% đơn vị đánh giá tốt và rất tốt và 55% đánh giá khá. Tuy nhiên về thái độ tận tình, chu đáo của của công chức thuế còn có đến 26,3% đánh giá là chưa tốt.
Trong thủ tục về hải quan kết quả khảo sát cho thấy doanh nghiệp có nhiều thuận lợi trong tiếp cận thông tin về TTHC trong lĩnh vực Hải quan. Tỷ lệ hài lòng với các phương thức cung cấp thông tin về TTHC ngành Hải quan tương đối cao. Có 66% đơn vị cho biết thông tin về TTHC trong lĩnh vực Hải quan là sẵn có, dễ tìm. Tuy nhiên, mới chỉ 39% hiệp hội doanh nghiệp và liên minh HTX phản ánh cơ quan Hải quan cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời và 47% cho rằng thông tin đơn giản, dễ hiểu.
Ba nhóm thủ tục hải quan được các hiệp hội và liên minh HTX đánh giá phiền hà nhất là giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm hành chính và thủ tục thông quan. Có 69% đơn vị cho rằng các phiền hà chính vẫn là thời gian giải quyết quá dài và yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết
Tình trạng DN phải “lót tay” cho cán bộ thuế vẫn là quan ngại của nhiều hiệp hội DN và Liên minh HTX. 55% đơn vị bày tỏ đồng tình quan điểm nếu không “chi thêm” DN sẽ bị phân biệt đối xử. 85%, các hiệp hội DN và liên minh HTX cho biết khi không chi các khoản lót tay, DN và HTX sẽ bị yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ, 68% cho rằng bị kéo dài thời gian làm thủ tục.
Tương tự như ngành thuế, các Hiệp hội và Liên minh HTX cũng bày tỏ những quan ngại về tình trạng trả phí không chính thức cho cán bộ hải quan. 64% đồng tình rằng nếu không chi lót tay thì bị kéo dài thời gian làm thủ tục, yêu cầu bổ sung giải trình các chứng từ…
Anh Vũ