Nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn khi tăng trưởng ở mức thấp. Để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm như kế hoạch đa đề ra, theo Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh), thị trường trong nước với 100 triệu dân cần phải được chú trọng.
PV: Thưa ông, ông nhận định thế nào về việc tăng trưởng những tháng đầu năm sụt giảm đáng kể so với năm 2022?
Ông Trần Hoàng Ngân: Tăng trưởng của chúng ta đạt 3,32% ở thời điểm hiện nay là chấp nhận được. Vì nền kinh tế thế giới vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn. Bây giờ phải xây dựng các giải pháp không để kinh tế suy giảm nữa. Bởi nếu kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới 4% thì thất nghiệp sẽ gia tăng. Và muốn chặn suy giảm tăng trưởng phải có giải pháp mang tính ngắn hạn và dài hạn. Ngắn hạn là phải nới lỏng đến mức có thể chấp nhận được. Đó là chính sách tài khoá phải là chính sách đi đầu. Chúng ta có cơ sở, cơ hội, dư địa bởi nợ công của ta hiện đã giảm từ 43% xuống 38% vào năm 2022, giảm cả số tuyệt đối và tương đối. Cho nên với dư địa này chính sách tài khoá mở rộng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo ông, khó khăn nhất của doanh nghiệp (DN) hiện nay là gì?
- DN đã gặp khó trong 3 năm liên tiếp từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19. Năm 2021 dịch bùng phát mạnh thì DN gần như kiệt quệ. Năm 2022 tưởng phục hồi thì bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukraine, lạm phát thế giới bùng lên, chính sách tài chính tiền tệ thế giới thắt chặt, DN tiếp tục gặp khó khăn nữa là khủng hoảng về vấn đề năng lượng.
Quan trọng hơn là khủng hoảng tổng cầu của thế giới. Thương mại thế giới giảm, xuất khẩu giảm thì tác động “domino” ảnh hưởng đến một nền kinh tế có độ mở rất lớn như Việt Nam. Do đó tôi cho rằng tới đây chúng ta cần quan tâm đến kiểm soát độ mở của nền kinh tế Việt Nam. Bởi những quốc gia có độ mở của nền kinh tế lớn sẽ bị “rung lắc” do các tác động bên ngoài. Những tác động bên ngoài thuận lợi thì chúng ta thuận lợi, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới những năm vừa qua, tác động bên ngoài bất lợi rất nhiều. Và như vậy, cộng đồng DN gặp khó từ cả bên ngoài và bên trong.
Vậy cần chính sách hỗ trợ cho DN như thế nào, thưa ông?
- Cần hỗ trợ DN bằng cách giảm thuế, phí. Theo đó tiền thuê đất, mặt bằng cần giảm sâu hơn. Thứ hai, đầu ra của DN với thị trường nội địa 100 triệu dân cần được chú trọng. Những nước có dân số đông, họ chú ý tới thị trường nội địa trước khi nghĩ đến thị trường bên ngoài. Song vấn đề là, sức cầu đang gặp khó khăn, nguồn lực trong dân suy giảm. Vì thế ngoài việc 1/7/2023 sẽ tăng lương thì rất cần gói an sinh xã hội để “tiếp sức” cho dân. Gói hỗ trợ làm sao phải hỗ trợ cho nhóm yếu thế như gia đình chính sách, hộ nghèo, hay người lao động bị cắt việc làm, giảm giờ làm do các đơn xuất khẩu giảm. Những gói hỗ trợ đó cần đưa ra nhiều hơn để tiếp sức cho dân. Khi đó tổng cầu nội địa sẽ tăng. Kinh tế trong nước sẽ phục hồi sẽ giải quyết được vấn đề an sinh xã hội.
Còn với chính sách tiền tệ, chắc chắn phải hạ lãi suất. Ngân hàng huy động vốn mà không cho vay được thì ngân hàng “chết”. Huy động vốn như giữ “hòn than đang cháy”. Vì để trong kho phải trả lãi, mà cho vay ra thì DN khó tiếp cận bởi lãi suất cao. Cho vay không cẩn thận sẽ mất vốn, cho nên phải hạ lãi suất nhưng không được hạ chuẩn tín dụng. DN muốn phục hồi trở lại thì điều kiện vay phải đảm bảo. Nhà nước phải cấp vốn cho các quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa. Có quỹ bảo lãnh đó họ bảo lãnh cho DN thì mới được.
Về giải pháp dài hạn thì sao, thưa ông?
- Về dài hạn cần triển khai được 3 nội dung lớn. Thứ nhất, Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết cho các vùng. Điều đó thể hiện định hướng của Đảng đã có, liên kết vùng đã có. Cần triển khai cho được và quy hoạch đi theo nghị quyết để phân công lao động, trách nhiệm các vùng với nhau. Thứ hai là Nghị quyết 29 về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước để kinh tế Việt Nam phải là nền kinh tế độc lập tự chủ. Bây giờ phải tự chủ kể cả nguồn nguyên nhiên vật liệu. Xuất khẩu giá trị gia tăng không cao vì chúng ta vẫn phải nhập nguyên phụ liệu, vật liệu. Hay nền nông nghiệp là thế mạnh nhưng người dân Việt Nam nhập nông sản của thế giới trong khi trong nước đang bị cạnh tranh. Vậy phải có chính sách để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền nông nghiệp, đảm bảo nâng cao được tính độc lập tự chủ của sản xuất trong nước để cạnh tranh với các nước khác. Giải quyết bài toán ngắn hạn nhưng phải giải quyết căn cơ vấn đề dài hạn.
Nhưng hiện giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang là điểm nghẽn, thưa ông?
- Cỗ xe tam mã là 3 động lực của tăng trưởng thì chúng ta đang gặp khó khăn 2 trong số 3 vấn đề, đó là xuất khẩu và tiêu dùng, chỉ còn yếu tố thứ ba còn dư địa đó là đầu tư, trong đó có đầu tư công.
Đầu tư năm ngoái giải ngân khoảng 500.000 tỷ đồng; năm nay dự kiến 700.000 tỷ đồng, như vậy tăng 40%. Nỗ lực giải ngân là cần thiết để giải quyết vấn đề tăng trưởng, không để dưới 4%. Do đó phải lấy đầu tư công là động lực chính ở thời điểm hiện nay. Đây cũng là cơ hội để chúng ta nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cho nên hạ tầng cần đầu tư nhiều về cả hạ tầng về giao thông và hạ tầng xã hội, văn hóa.
Trân trọng cảm ơn ông!