Cần hiểu đúng về nội địa hóa cơ khí tại dự án NMNĐ Sông Hậu 1

PV (theo Petrotimes.vn) 22/10/2015 10:15

Vừa qua, dư luận đang có một số ý kiến trái chiều về phát triển cơ khí trong nước, đặc biệt là việc các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chưa được tham gia xây dựng vào các dự án nguồn điện, trong đó có dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1. Vậy dự án NMNĐ Sông Hậu 1 đang triển khai như thế nào?.

Cần hiểu đúng về nội địa hóa cơ khí tại dự án NMNĐ Sông Hậu 1

Thiết kế mặt bằng tổng thể dự án NMNĐ Sông Hậu 1.

Từ cơ chế thí điểm…

Với mục tiêu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước từng bước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 về việc phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện được xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn 2012 – 2025 (Cơ chế 1791). Trong đó, dự án NMNĐ Sông Hậu 1 là một trong các dự án do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư áp dụng thí điểm Cơ chế 1791.

Các dự án NMNĐ áp dụng Cơ chế 1791 sẽ được phân chia thành các gói thầu gồm tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn hỗ trợ chủ đầu tư thiết kế và tổ chức quản lý dự án, các thiết bị chính (lò hơi, tuabin, máy phát), các gói thầu thiết bị phụ trợ (11 gói thầu) và xây lắp, thực hiện các công việc phụ trợ khác với mục tiêu gia tăng tỷ trọng công việc các nhà thầu trong nước thực hiện được.

Cũng theo Cơ chế 1791, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho các đơn vị cơ khí hàng đầu trong nước và có nhiều kinh nghiệm trong việc chế tạo các thiết bị, hệ thống của nhà máy điện bao gồm các đơn vị Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các Tổng Công ty, đơn vị trực thuộc quản lý của các Bộ ngành như Tổng Công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA), Viện nghiên cứu cơ khí (NARIME)…tham gia thực hiện Cơ chế 1791.

Trong tình hình nguồn điện quốc gia phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh ở khu vực phía Nam có dự phòng thấp và tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện vào một số thời điểm, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu điện giai đoạn 2014 - 2020 và sau năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013 – 2020 trong đó có dự án NMNĐ Sông Hậu 1.

Ngày 15/4/2014, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản 2576/VPCP-KTN đồng ý về nguyên tắc giao LILAMA làm Tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng) dự án NMNĐ Sông Hậu 1. Trong đó, yêu cầu Bộ Công Thương, PVN và LILAMA hoàn thiện phương án thực hiện dự án theo hướng sử dụng tối đa năng lực tư vấn thiết kế, chế tạo, thi công và quản lý dự án của các doanh nghiệp trong nước, đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án.

Việc giao nhà thầu trong nước làm Tổng thầu EPC đã thực hiện chủ trương nội địa hóa tối đa của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đáp ứng mục tiêu đưa nhà máy vào vận hành trong năm 2019 như Quyết định 2414/QĐ-TTg để cung cấp điện năng cho miền Tây Nam Bộ nói riêng và miền Nam nói chung. LILAMA là đơn vị trong nước hội đủ các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm để triển khai các dự án điện có công suất lớn, công nghệ phức tạp tại Việt Nam, đồng thời Tổng thầu LILAMA là doanh nghiệp cơ khí trong nước đáp ứng mục tiêu về nội địa hóa thiết kế, chế tạo thiết bị nhiệt điện.

Cần hiểu đúng về nội địa hóa cơ khí tại dự án NMNĐ Sông Hậu 1 - 1

Quyết định 2414/QĐ - TTg về cơ chế đặc thù cho các dự án điện cấp bách.

…đến thực tế thực hiện

Trong quá trình chuẩn bị thực hiện Dự án NMNĐ Sông Hậu 1, ngay từ Hồ sơ yêu cầu EPC và sau đó là suốt quá trình đàm phán đến ký kết hợp đồng EPC, PVN đã yêu cầu LILAMA phải sử dụng tối đa năng lực tư vấn thiết kế, chế tạo, thi công và quản lý dự án của các doanh nghiệp trong nước.

Ngày 10/4/2015, trên cơ sở chấp thuận của Chính phủ và Bộ Công Thương, PVN và Tổng thầu LILAMA đã ký hợp đồng EPC xây dựng nhà máy chính dự án NMNĐ Sông Hậu 1. Ngay sau khi Hợp đồng EPC được ký, PVN với vai trò là chủ đầu tư đã yêu cầu LILAMA thực hiện đúng các chỉ đạo của Chính phủ. Và LILAMA với vai trò Tổng thầu chịu trách nhiệm tổng thể về dự án trước Chủ đầu tư đã khẩn trương huy động nguồn lực, tổ chức triển khai các công việc tại công trường nhằm phát huy hiệu quả dự án, sớm đưa nhà máy vận hành đáp ứng nhu cầu điện năng cho khu vực miền Tây Nam Bộ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đồng thời trong quá trình triển khai dự án, LILAMA cũng nghiêm túc thực hiện chủ trương nội địa hóa theo Quyết định 1791. Hiện tại, Tổng thầu LILAMA đã và đang hợp tác chặt chẽ với các đơn vị có trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm dày dạn hàng đầu Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ giao tham gia thực hiện Cơ chế 1791 như NARIME, PTSC, PVC, Doosan Vina... thực hiện thiết kế, chế tạo các thiết bị của nhà máy.

Có thể thấy rõ rằng, quá trình thực hiện dự án NMNĐ Sông Hậu 1 chính là thực hiện tối đa công tác nội địa hóa từ các hạng mục thiết kế, chế tạo thiết bị đến thi công NMNĐ Sông Hậu 1. Cùng với việc toàn bộ phần xây dựng, lắp đặt do các đơn vị trong nước thực hiện thì hầu hết các hệ thống phụ trợ của nhà máy thuộc danh mục các hạng mục nội địa hóa theo Cơ chế 1791 đều do các đơn vị trong nước chủ trì thực hiện với nguyên tắc chỉ các thiết bị trong nước không sản xuất được thì mới được phép nhập khẩu. Theo tính toán, khối lượng thiết bị, kết cấu mà các doanh nghiệp trong nước thực hiện lên tới 56000 tấn, chiếm khoảng 50% khối lượng thiết bị toàn dự án. Mặt khác, LILAMA và các doanh nghiệp trong nước sẽ đảm nhận từ 40% đến 60% khối lượng công việc tư vấn thiết kế tại dự án này tùy theo yêu cầu đặc thù là bản quyền công nghệ của mỗi hệ thống.

Như vậy, chỉ sau hơn 6 tháng ký hợp đồng EPC, đến nay giá trị phần việc giao cho các doanh nghiệp trong nước thực hiện đã chiếm khoảng 34% giá trị hợp đồng EPC (bao gồm cả phần xây lắp) trong đó giá trị phần chế tạo thiết bị do các doanh nghiệp cơ khí trong nước thực hiện chiếm khoảng 20,6% giá trị thiết bị của các hệ thống mà các doanh nghiệp tham gia. Trong thời gian tới, Tổng thầu tiếp tục lựa chọn và ký kết hợp đồng thầu phụ với các đơn vị trong nước và theo đó tỷ lệ giá trị hợp đồng EPC, tỷ lệ giá trị chế tạo thiết bị do các doanh nghiệp trong nước thực hiện sẽ tiếp tục tăng.

Khẳng định vấn đề nội địa hóa cơ khí tại dự án NMNĐ Sông Hậu 1, Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Hùng Dũng khẳng định: “Việc Chính phủ giao cho LILAMA làm Tổng thầu dự án NMNĐ Sông Hậu 1 là chủ trương hết sức đúng đắn. LILAMA là doanh nghiệp cơ khí hàng đầu của Việt Nam và đã thực hiện nhiều hợp đồng EPC tại các dự án điện của Việt Nam như: Uông Bí mở rộng 1, Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2, Vũng Áng 1 đáp ứng chất lượng, vận hành an toàn, hiệu quả góp phần quan trọng đảm bảo anh ninh năng lượng quốc gia. Trong quá trình thực hiện, Tổng thầu LILAMA đã và đang thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về nội địa hóa nhằm đảm bảo dự án NMNĐ Sông Hậu 1 là dự án có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất trong các dự án điện tại Việt Nam từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, PVN luôn chủ động có các văn bản giới thiệu các đơn vị như Công ty Cổ phần chế tạo bơm Hải Dương, Tổng công ty cổ phần xây dựng công nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty cơ khí xây dựng, Công ty Cổ phần kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí... tới Tổng thầu để xem xét khả năng sử dụng các sản phẩm của các doanh nghiệp cơ khí đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả dự án. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cơ khí tham gia vào chương trình thí điểm theo Cơ chế 1791 cũng cần tuân theo quy luật thị trường. Chủ đầu tư, Tổng thầu EPC là các đơn vị phải chịu trách nhiệm chính về dự án, sẽ căn cứ vào năng lực, kinh nghiệm, giá chào... của các đơn vị cơ khí trong nước để quyết định việc sử dụng dịch vụ của các đơn vị, cùng với việc cân nhắc, kết hợp một cách phù hợp khả năng tự thực hiện của Chủ đầu tư và Tổng thầu.

Quan điểm này đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về nội địa hóa ngày 25/9/2015. Là một tập đoàn kinh tế hàng đầu của nhà nước, PVN tự hào luôn là đơn vị thực hiện nghiêm túc, nhất quán chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ đối với chương trình nội địa hóa”.

Như vậy là đã rõ, toàn bộ quá trình triển khai dự án NMNĐ Sông Hậu 1 đến nay đều thực hiện quán triệt chủ trương, các chỉ đạo của Chính phủ về công tác nội địa hóa cơ khí. Từ Cơ chế 1791 đến Quyết định 2414 không hề có mâu thuẫn mà vấn đề chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố năng lực, kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong nước khi tham gia vào dự án nguồn điện. Các gói thầu cơ khí, thiết kế tại dự án đều được lựa chọn công khai, minh bạch chứ không có chuyện “con yêu, con ghét”.

Các gói thầu NMNĐ Sông Hậu do Việt Nam thực hiện:

Hệ thống cung cấp than: do Viện nghiên cứu cơ khí – Narime chủ trì thực hiện. Kết cấu thép của nhà máy như lò hơi, gian tuabin, kho than: do LILAMA, PTSC, PVC, Doosan vina thực hiện.

Hệ thống khử lưu huỳnh: do LILAMA chủ trì kết hợp với các đơn vị trong nước thực hiện.

Hệ thống lọc bụi tĩnh điện: do LILAMA kết hợp với NARIME chủ trì thực hiện.

Phần xây dựng, lắp đặt: sẽ do các nhà thầu trong nước như các đơn vị thành viên của LILAMA, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC), Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC), Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội...tham gia thực hiện.

Các hệ thống phụ trợ khác như hệ thống thải tro xỉ, nước làm mát tuần hoàn, ống khói, hệ thống cấp dầu, hệ thống phòng cháy chữa cháy: do LILAMA kết hợp với các đơn vị trong nước chủ trì thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần hiểu đúng về nội địa hóa cơ khí tại dự án NMNĐ Sông Hậu 1