Rất nhiều vấn đề nóng của Hà Nội đã được đại diện các cơ quan, ban, ngành lần lượt trả lời tại cuộc họp báo của UBND TP Hà Nội chiều tối nay 4/3.
Trả lời vấn đề cung vượt quá cầu tiêu thụ nông sản trên địa bàn, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, năm nay nông sản được mùa, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nông sản khó tiêu thụ. Do đó, Thành ủy, UBND TP chỉ đạo kịp thời hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con.
Ngay cuộc họp giao ban tháng 1, sở Công Thương đã đề nghị UBND quận, huyện có khó khăn vướng mắc trong tiêu thụ thì gửi về Sở Công Thương. Tuy nhiên, đến 24/2 Sở Công Thương mới nhận được báo cáo của UBND huyện Mê Linh. Do đó ngày 25/2 Sở Công Thương đã về Mê Linh đồng thời giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản giúp bà con. Đến thời điểm này đã tiêu thụ 870 tấn củ cải cho huyện Mê Linh.
Về vấn đề bổ cập nước cho sông Tô Lịch, ông Lê Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc bổ cập nước sông Tô Lịch chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài phải có thêm các giải pháp khác bằng việc sẽ thu gom, tách nước thải sinh hoạt không để xả xuống các dòng sông.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, có nhiều phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Có ý kiến bổ cập nước từ sông Hồng, qua hồ Tây rồi bổ cập cho sông Tô Lịch. Mới đây, liên ngành thành phố cũng khảo sát bổ cập nước sông Hồng qua cống Liên Mạc đồng thời bổ cập cả môi trường nước cho sông Nhuệ.
Ông Thắng cho hay, vừa qua, Liên ngành thành phố đã đề xuất trước lắp 8 trạm bơm dã chiến bổ cập nước cho sông Tô và Nhuệ. Theo đó, trên cơ sở khảo sát nghiên cứu sẽ lựa chọn giải pháp phù hợp đảm bảo hiệu quả, tối đa nhất.
Trả lời vấn đề có hay không chuyện đổ nước vào rác để tăng khối lượng rác, Thượng tá Phạm Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội thông tin, sau khi có chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Công an TP Hà tăng cường biện pháp nghiệp vụ, theo dõi quá trình gom, tập kết, trung chuyển rác từ nội đô đến hai địa điểm xử lý rác. Tuy nhiên, chúng tôi chưa phát hiện ra hiện tượng bơm nước, trộn phế thải khác để gia tăng khối lượng rác.
Trả lời câu hỏi bao giờ tiêm vaccine, đối tượng nào được tiêm, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho hay, nguồn kinh phí mua vaccine, căn cứ vào nghị quyết của Chính phủ, nguồn kinh phí gồm 3 nguồn: Nguồn ngân sách nhà nước; Nguồn tài trợ của tổ chức trong ngoài nước; Nguồn do tổ chức cá nhân tự chi trả. Hà Nội hết sức chủ động với vấn đề này. Hà Nội đã tính toán cần hơn 15 triệu liều vaccine cho người dân Thủ đô. Theo đó, nguồn kinh phí để tiêm sẽ căn cứ vào 3 nguồn này.
Về thời gian tiêm vaccine, ông Khổng Minh Tuấn thông tin, ngày 24/2, Bộ Y tế đã nhận được nguồn vaccine. Ngày 6/3, Bộ Y tế tổ chức tập huấn tiêm chủng toàn bộ hệ thống y tế dự phòng; trên cơ sở danh sách ưu tiên, Bộ sẽ cấp vaccine cho tỉnh có dịch. Về ngày tiêm của Hà Nội sẽ phụ thuộc vào kế hoạch của Bộ Y tế.