Nghề nuôi chim yến đã hình thành ở nước ta từ lâu, nhưng nuôi để lấy tổ mang tính thương mại chỉ mới “nở rộ” mấy năm qua. Bên cạnh việc mang lại hiệu suất kinh tế cao, nghề này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Thống kê hiện nay cả nước có 46/63 tỉnh, thành phố nuôi chim yến. Đến tháng 6/2022, các địa phương báo cáo có gần 12.000 nhà yến, tăng khoảng 1,5 lần, trong đó tỉnh có số lượng nhà yến tăng cao nhất là Khánh Hòa (5,33 lần), Lâm Đồng (4,8 lần). 2 tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang 2.162 nhà, Bình Thuận 1.290 nhà.
Ông Nguyễn Văn Trọng - đại diện Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, trung bình các năm gần đây, sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng trên 100 tấn/năm. Thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, cộng đồng người Hoa ở Mỹ, Australia, New Zealand. “Nuôi chim yến và khai thác sản phẩm từ yến là một nghề cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, 1.000 - 2.000 USD/kg tổ yến. Sản phẩm tổ yến chủ yếu được các công ty xuất khẩu thu về khoản ngoại tệ khoảng 100-125 triệu USD/năm, đây thực sự là một ngành chăn nuôi quan trọng và có tiềm năng hiệu quả kinh tế cao” - ông Trọng nói.
Trong khi đó, kiến thức khoa học kỹ thuật được phát triển trong nghề nuôi chim yến phát triển không ngừng. Một số doanh nghiệp (DN) đã áp dụng công nghệ cao trong nghề như kỹ thuật ấp nở nhân tạo trứng chim yến; kỹ thuật nuôi nhân tạo chim yến; kỹ thuật sản xuất thức ăn cho chim yến giai đoạn nuôi chim yến nhân tạo; kỹ thuật dẫn dụ, di đàn, dẫn dụ yến, kỹ thuật xây dựng nhà….
Mặc dù được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao như vậy, nhưng nghề nuôi chim yến ở nước ta thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại. Cụ thể, phát triển vẫn mang tính tự phát, chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng, chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chưa có giá trị xuất khẩu cao vì chủ yếu xuất thô. Thiếu tính liên kết của một ngành hàng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và sản lượng tổ yến.
Bên cạnh đó, ở nước ta chưa có một nghiên cứu đầy đủ về khí hậu, thời tiết, vùng sinh thái và tập tính của loài chim yến nhà. Do vậy dẫn đến tình trạng xây nhà xong nhưng chim yến không về làm tổ, hoặc ở vùng có khí hậu mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp ảnh hưởng chất lượng sống của chim yến.
Trong một cuộc họp bàn về phát triển nghề nuôi chim yến mới đây tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, công tác quy hoạch không được quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến. Đây là một việc rất khó cho các địa phương trong quá trình triển khai. Thực trạng cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư chiếm tỷ lệ rất cao (khoảng 95%). Một số tỉnh, người dân đầu tư xây dựng nhà yến rất kiên cố ngay trong khu vực đông dân cư, chi phí đầu tư từ 1-6 tỷ đồng/nhà yến nhưng thực tế nhiều trường hợp đầu tư xây tiền tỷ mà không dẫn dụ được đàn chim yến. Hơn nữa, chim yến với đặc thù là chim hoang dã, sống thành đàn lớn, bay lượn trên cao nên rất khó kiểm soát dịch bệnh hơn gia cầm khác khi dịch cúm gia cầm xảy ra. “Trong khi đó, sự phối hợp giữa địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý chim yến trên địa bàn chưa tốt. Việc cấp phép xây dựng nhà nuôi chim yến gặp nhiều khó khăn; việc xây mới, cơi nới trên nhà ở phát triển tràn lan, tự phát, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn không thể kiểm soát được” - lãnh đạo Bộ NNPTNT nhấn mạnh.
Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy, nhiều tỉnh có lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật cần khai thác tốt để phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho địa phương. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, vùng nào cũng có thể phát triển nghề nuôi chim yến. “Để phát triển ngành nghề nuôi chim yến cần có quy hoạch chi tiết các tiểu vùng địa phương thuộc các xã, phường thuộc các quận, huyện có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, trong cả nước hiện mới chỉ có một số địa phương như TPHCM, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Tiền Giang đã thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến” - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến thông tin.
Ông Tiến đề nghị, công tác khảo sát quy hoạch ngành nghề nuôi chim yến tại các địa phương phải do UBND tỉnh chỉ đạo các ngành thực hiện đồng bộ, vì lợi ích chung của địa phương và cộng đồng xã hội.
Đề cập về giải pháp, bà Đỗ Tú Quân - Chủ tịch HĐQT Công ty Yến Quân (TPHCM) cho rằng, các DN ngành yến Việt Nam cần liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phối hợp quản lý chất lượng yến sào từ nhà yến đến các cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, bà Quân đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần phổ biến yêu cầu thị trường tiêu thụ về tiêu chuẩn yến sào Việt Nam, xây dựng trung tâm kiểm định chất lượng, trung tâm sơ chế yến sào Việt Nam. Đồng thời phối hợp xây dựng thương hiệu quốc gia cho yến sào Việt Nam, hỗ trợ các nhà yến Việt Nam để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Hiệp hội Yến sào Việt Nam và Chi hội nhà yến đã được hình thành và phát triển về tổ chức cũng như số lượng thành viên. Song song là hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm yến sào được nhà nước và các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường công tác xúc tiến thương mại về sản phẩm yến, đã có các chương trình hợp tác giữa các DN trong và ngoài nước.