“Có thể khẳng định, tình hình dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hoá trước, trong, sau Tết Nguyên đán sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp. Chúng ta phải tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về quy định phòng, chống dịch, song không vì thế mà các địa phương được áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch mang tính tiêu cực”, ông Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa khẳng định.
Xã bỏ, dân tự khóa!
Ngày 20/1 cũng là ngày cuối cùng chị Nguyễn Thị Định, trú tại thôn Tra, xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) hết thời gian cách ly 7 ngày, sau khi trở về từ vùng dịch. Nghe tiếng gọi của trưởng thôn và lực lượng y tế xã ngoài cổng, chị Định lặc lè, bê chiếc bụng bầu đã đến tháng thứ 8 ra khai báo sức khỏe. Miệng đeo khẩu trang, đứng cách cánh cổng 2m đã được khóa bên trong cẩn thận, chị Định thông tin cho lực lượng y tế xã khá chi tiết và đầy đủ về tình hình của cá nhân và các thành viên trong gia đình.
Chị Định cho biết: Chị làm công nhân cho một công ty giày da tại huyện Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Chồng chị, do yêu cầu của công việc nên phải lên làm việc tận Lâm Đồng. Dịch bệnh bùng phát, chồng chị không thể về thăm vợ, bản thân chị phải chịu cảnh thất nghiệp suốt 6 tháng qua. Quá khó khăn, chị quyết định một mình bắt xe khách về quê ăn Tết cùng gia đình. “Sau khi về đến quê, tôi đến Trạm y tế xã khai báo, làm xét nghiệm nhanh và cách ly tại nhà theo quy định. Ngoài việc được dán thông báo cách ly, thôn còn vận động gia đình cho khóa cửa bên ngoài. Nhưng chỉ sau 1 đêm, trưởng thôn lại đến mở khóa và nói không cần thiết nhưng tôi vẫn đề nghị chính quyền cho tôi được… khóa cửa từ bên trong để an toàn cho bản thân và xóm giềng!”- chị Định vui vẻ nói.
20/1 cũng là ngày cuối cùng ông Nguyễn Văn Tấc, trú tại thôn Tra phải cách ly sau khi trở về từ TP Hồ Chí Minh. Ông Tấc cho biết: “Nhìn ngoài có phần cực đoan và gây những ý kiến trái chiều, thậm chí là bức xúc đấy nhưng đặt trong tình hình hiện tại thì cẩn thận là không thừa vì bất cứ ai trở về từ vùng dịch cũng có thể mang mầm bệnh. Để an toàn cho họ hàng, chòm xóm, chúng tôi cũng đồng tình với biện pháp phòng, chống dịch mà xã áp dụng”. Tính từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, toàn xã đã có hơn 40 trường hợp là F0. Trong đó có tới 26 trường hợp xuất hiện từ đầu tháng 1/2021. Hiện tại, toàn xã Thiệu Phú có có hơn 2.000 người đi làm ăn xa, phần lớn tập trung tại các tỉnh phía Nam. Chỉ tính từ đầu tháng 1/2022 đến nay, đã có hơn 400 người về quê vừa để ăn tết, vừa tránh dịch và toàn bộ các đối tượng này đều được làm xét nghiệm nhanh miễn phí tại Trạm Y tế xã.
Theo kế hoạch số 289 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Thanh Hóa, người từ vùng có dịch thuộc cấp độ 1 và cấp độ 2 sẽ không bị cách ly, không bắt buộc xét nghiệm SARS-CoV-2 khi về địa phương. Người từ địa bàn có dịch (ở cấp độ 3) và người tiếp xúc gần với đối tượng F1 (F2), những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid -19 trong vòng 6 tháng (tính từ thời điểm về địa phương, có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh) thì tự cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày.
Riêng người về từ địa bàn có dịch (ở cấp độ 4), người tiếp xúc gần F1 đã tiêm đủ liều vaccine (thẻ xanh trên sổ sức khỏe điện tử), liều cuối đã được tiêm ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid -19 trong vòng 6 tháng thì thực hiện cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện) 7 ngày. Xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7, kể từ ngày về địa phương; sau đó, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Linh - Chủ tịch UBND xã Thiệu Phú thẳng thắn thừa nhận: Cách làm như vừa rồi của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh xã Thiệu Phú là cứng nhắc và có phần quyết liệt quá mức cần thiết. Sau khi nhận được phản ánh và chỉ đạo của huyện, xã đã tháo bỏ toàn bộ khóa cổng. Ông Linh bày tỏ: “Chúng tôi có một số trường hợp trở về từ vùng dịch, sau khi làm xét nghiệm nhanh tại Trạm y tế xã đã cho kết quả âm tính nhưng chỉ sau ít ngày cách ly tại nhà lại có biểu hiện ho, sốt. Xét nghiệm lại, họ trở thành thành F0. Hiện nay, xã đã chấp hành đúng với tinh thần chỉ đạo của cấp trên. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người dân về ý thức phòng, chống dịch một cách an toàn, hiệu quả!”.
Bình tĩnh đối phó với dịch bệnh
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề nêu trên, ông Hoàng Văn Lực - Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết: “Ngay sau khi nắm được thông tin xã Thiệu Phú cho khóa cổng các gia đình có người cách ly từ vùng dịch trở về, huyện đã nhanh chóng yêu cầu xã phải tháo bỏ và nghiêm cấm áp dụng biện pháp phòng, chống dịch mang tính tiêu cực, cứng nhắc này. Quan điểm của huyện là luôn sẵn sàng và tạo điều kiện cho bà con xa quê về ăn Tết và tuân thủ tuyệt đối chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh về việc áp dụng các biện pháp phòng dịch”.
Cũng nói về vấn đề chống dịch có tính tiêu cực tại xã Thiệu Phú, ông Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: “Mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh những ngày trước Tết Nguyên đán hết sức phức tạp nhưng không vì thế mà Thiệu Phú hay các địa phương khác trên địa bàn tỉnh được áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch mang tính tiêu cực. Quan điểm của chúng tôi là đồng bào luôn phải được tạo điều kiện về quê ăn Tết. Song song, người dân và chính quyền các cấp phải tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về quy định phòng chống dịch”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vụ việc xảy ra tại xã Thiệu Phú, bà Phạm Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa bày tỏ: “Đây là điều khá đáng tiếc trong bối cảnh Thanh Hóa đang làm rất tốt công tác phòng, chống dịch và tạo điều kiện cho đồng bào về quê ăn Tết. Tôi cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là do tâm lý lo lắng thái quá của các địa phương gây ra. Tinh thần chỉ đạo của tỉnh trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán vẫn là không chủ quan lơ là nhưng cũng không vì thế mà quá hoang mang, lo lắng, từ đó dẫn tới áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không đúng với chủ trương “thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả”. Theo tôi, đối với các địa phương có đông lao động phương xa về quê ăn Tết, cần phải bình tĩnh, linh hoạt hơn trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Có như vậy người dân mới có thể yên tâm đón một cái Tết đầm ấm và an toàn”.
Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa:
Không thể đặt lệ làng lên trên quy định của Nhà nước
Việc chính quyền xã Thiệu Phú cho khóa cửa đối với những người dân là lao động từ vùng có dịch về để cách ly hoàn toàn với cộng đồng là không được phép và trái với quy định của Nhà nước, trái với tinh thần phòng, chống dịch của tỉnh Thanh Hóa. Chủ trương của chúng ta là “thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả”. Làm như vậy sẽ khiến những người tha hương cả năm, mong một cái Tết sum vầy với quê hương, gia đình đang về, chuẩn bị về có suy nghĩ bị xa lánh, thậm chí là chối bỏ…
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Văn hóa của chúng ta được hình thành bởi thiết chế làng xã, nghĩa cử, tình cảm xóm giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”. Một người đi xa lâu ngày về, khó tránh được mong muốn gặp gỡ bà con trong dòng tộc, xóm làng và ngược lại. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh ngày càng có dấu hiệu phức tạp, số ca trong cộng đồng ngày càng khó kiểm soát. Nên bản chất câu chuyện ở đây vẫn là tinh thần chống dịch của chính quyền xã, nhưng như vậy là quá cẩn trọng, cứng nhắc, sợ người dân ở các vùng dịch trở về có thể khiến dịch lây lan trong cộng đồng dân cư, nên trong cách làm chưa hợp lý, dẫn đến sinh ra thứ “lệ làng” chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thông qua Nghị quyết 128 NQ/CP. Nhưng, làm gì thì làm cũng không thể đặt thứ “lệ làng” ấy lên trên quy định của Nhà nước.
Từ sự việc ở Thiệu Phú, chúng ta cần có sự thống nhất trong tuyên truyền và chỉ đạo ở tất cả các địa phương trong tỉnh, theo hướng đồng bộ, không gây ra cảm giác tủi thân cho người dân về quê ăn Tết hay cản trở đi lại, giao thương.
N.C (ghi)