Gần đây, dư luận rất bức xúc trước tình trạng sử dụng vũ khí “nóng” để giải quyết mâu thuẫn. Cơ quan chức năng cho rằng, việc mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ không được kiểm soát chặt chẽ là một trong những nguyên nhân tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dân.
Nguy hiểm khi có súng trong tay
Công an tỉnh Nghệ An vừa tạm giữ đối tượng Đậu Đức Thuận (37 tuổi, trú tại phường Hưng Bình, thành phố Vinh) để điều tra làm rõ hành vi nổ súng bắn người tại quán cà phê số 1, Đinh Công Tráng, phường Quang Trung, thành phố Vinh.
Trước đó, khoảng 8h30’ ngày 20/11/2021, khi đang ngồi uống cà phê cùng bạn tại quán Coffee House nằm trên đường Đinh Công Tráng (thuộc khối 2, phường Quang Trung), anh N.Đ.T. (48 tuổi) bị một đối tượng xông vào, rút súng bắn gãy xương cánh tay trái, phải nhập viện cấp cứu.
Vào cuộc điều tra, Cơ quan công an xác định và truy bắt được đối tượng nổ súng là Đậu Đức Thuận, trú phường Hưng Bình, thành phố Vinh) khi đối tượng này đang lẩn trốn tại thành phố Vinh. Tại Cơ quan công an, bước đầu Thuận khai nhận do mâu thuẫn tình ái và chuyện công ty nên đã ra tay nổ súng vào nạn nhân.
Tại Hải Phòng, vụ án nổ súng bắn người giữa phố để giải quyết mâu thuẫn cá nhân vừa xảy ra chưa lâu cũng khiến người dân Hải Phòng chưa hết bàng hoàng, kinh hãi. Theo đó, sáng 21/9/2021, anh Nguyễn Quốc Huy (31 tuổi, trú tại phường Hồ Nam, quận Lê Chân) đang cùng một số người phát quà từ thiện tại khu vực cửa nhà số 4 Phạm Bá Trực, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hồng Bàng) thì bất ngờ bị hai nam thanh niên đi xe máy phóng ngang qua bắn một phát trúng vào đùi anh Huy. Sau khi gây án, nhóm đối tượng đã phóng xe bỏ chạy khỏi hiện trường.
Hai nghi phạm gây án gồm: Phạm Văn Cương (33 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng), Bùi Sơn Tùng (31 tuổi, trú tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng) sau đó lần lượt bị lực lượng chức năng tóm gọn.
Bước đầu, hai đối tượng Cương và Tùng đều thừa nhận hành vi và cho biết trước đó được đối tượng Đỗ Mạnh Tuấn (31 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) thuê để chở Tuấn đi bắn, gây thương tích cho Nguyễn Quốc Huy vì mâu thuẫn nợ nần tiền bạc giữa hai bên. Công an quận Hồng Bàng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp tạm giam đối với Phạm Văn Cương và Bùi Sơn Tùng.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công an huyện Củ Chi cũng vừa khởi tố vụ án “cố ý gây thương tích” liên quan đến vụ chủ nợ nổ súng bắn gục con nợ trên địa bàn.
Trước đó, Nguyễn Minh Học (biệt danh “Cu Sâu”, 33 tuổi, trú tại huyện Củ Chi) tìm ông Bùi Hoàng Anh (42 tuổi, trú tại xã Trung An, huyện Củ Chi) để đòi nợ.
Sau đó, hai người này hẹn nhau ở một quán cà phê trên địa bàn xã Trung An để giải quyết. Đến điểm hẹn, hai người nói chuyện với nhau về món nợ thì phát sinh mâu thuẫn cãi vã. Lúc đầu, Học đưa súng chỉ lên trời nổ một phát để dọa. Tuy nhiên, sau đó, bất ngờ lại chĩa thẳng súng, bắn 4 phát trúng người ông Anh ở cự ly gần khiến nạn nhân gục tại chỗ.
Đáng chú ý, hầu hết các đối tượng sử dụng súng trái phép trong các vụ án được phát hiện trong thời gian qua đều khai nhận mua súng đạn trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là qua mạng Facebook…
Nâng mức phạt để răn đe, cảnh tỉnh
Vũ khí “nóng”, công cụ hỗ trợ là những thiết bị đặc biệt trang bị cho các tổ chức sử dụng để giữ gìn an ninh trật tự. Tuy nhiên, vì lợi nhuận “khủng” nên nhiều đối tượng rao bán trái phép mặt hàng này. Hiện nay, nhiều website và các trang mạng xã hội rao bán tràn lan các loại súng quân dụng, súng tự chế với giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Không khó có thể tìm kiếm trên các trang mạng xã hội rao bán công khai các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ với các tên gọi như: “Shop Buôn Bán Súng K54 K59 Ship Toàn Quốc”, “Shop Vũ Khí Quân Dụng K59 K54 Giá Rẻ’, “Shop Đao Kiếm Súng Ống Giá Rẻ”, “Mua Bán Súng Quân Dụng K54” “shop vũ khí tự vệ”…
Ngoài ra, trên các trình duyệt video trên “không gian mạng” việc mua bán các loại súng tự vệ cũng “nhộn nhịp” không kém. Các đối tượng công khai giới thiệu sản phẩm và để lại số điện thoại để người mua dễ dàng liên hệ hơn.
Anh T. - một người thử tiếp cận một tài khoản Facebook chuyên cung cấp các loại súng quân dụng để xem việc bán súng thế nào kể lại: Người bán chào giá súng K54 giá 11 triệu đồng, K59 giá 13 triệu đồng kèm theo 20 viên đạn.
Anh T. liên lạc với số điện thoại ghi công khai trên trang mua bán vũ khí thì người bán kiên quyết không nghe máy trực tiếp mà chỉ nhắn tin đề nghị kết bạn qua ứng dựng Zalo để trao đổi. Khi đề cập đến việc giao dịch trực tiếp thì người bán không chấp nhận mà chỉ chấp nhận giao dịch online.
Có thể thấy rằng, các đối tượng buôn bán các loại vũ khí chỉ thực hiện giao dịch, giao hàng qua các shipper và chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng nhằm qua mặt sự quản lý của các cơ quan chức năng. Chỉ cần chuyển khoản đặt cọc mua hàng, là vũ khí, súng ống sẽ được shipper giao tận địa chỉ nhà khách hàng.
Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Hà Nội) đánh giá, đã từ lâu, tội phạm sử dụng vũ khí quân dụng đã trở thành vấn đề nổi cộm trong xã hội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây bất an cho người dân khi có các vụ việc bị phát hiện. Việc xử lý loại tội phạm này đang gặp không ít khó khăn trong việc xác định danh tính do các đối tượng trên mạng rao bán vũ khí chủ yếu sử dụng các tài khoản ảo, sim rác. Hơn thế nữa, để tránh bị phát hiện, mọi giao dịch mua bán sẽ được kiểm tra cẩn thận và nơi hẹn khách hàng sẽ thường ở các ngõ nhỏ, khu dân cư thưa người, gây khó khăn cho công tác điều tra.
Theo Luật sư Tiền, pháp luật đã có các quy định tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế, dù đã có quy định cụ thể, nhưng do mức chế tài áp dụng chưa đủ mạnh nên tình trạng mua bán vũ khí vẫn xảy ra tràn lan trên mạng xã hội.
Luật sư Tiền nhấn mạnh, đứng trước những nguy hiểm từ hành vi tàng trữ, mua bán vũ khí quân dụng, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt nhằm nâng cao ý thức người dân, tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền giúp người dân hiểu các quy định về việc tàng trữ vũ khí quân dụng là hành vi phạm pháp, sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật và có trách nhiệm trong việc giao nộp vũ khí cho cơ quan chức năng. Cùng với việc kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm, toàn xã hội cần nâng cao ý thức trong việc phát hiện kịp thời các hành vi rao bán, vận chuyển vũ khí trái phép, góp phần ngăn chặn hiểm họa từ những “chợ vũ khí” bất hợp pháp trên mạng hiện nay.
Tiến sĩ Lưu Hoài Bảo (Khoa Pháp luật hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội): Cơ quan chức năng phải thường xuyên rà soát, gỡ bỏ các trang mạng rao bán vũ khí
Hiện nay, các loại vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, vũ khí tự chế rao bán rất nhiều trên mạng xã hội. Chế tài xử lý hành vi đó đã rất cụ thể, vấn đề là ở việc phát hiện, quản lý các đối tượng ở tại địa bàn, quản lý về nhân khẩu cần đảm bảo. Việc dùng súng cũng chỉ là các đối tượng liên quan đến việc làm ăn bất chính hoặc những đối tượng nhân thân “có vấn đề” thì họ mới dùng súng để đảm bảo an toàn hoặc uy hiếp người khác. Vì thế, các nhà mạng cần có sự phối hợp với các lực lượng chức năng khác, trong việc để phát hiện trang mạng có biểu hiện mua, bán vũ khí. Cơ quan công an và lực lượng chức năng phải thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý, ngăn chặn tình trạng mua bán vũ khí được triệt để. Cơ quan chức năng phải thường xuyên rà soát, gỡ bỏ các website có nội dung quảng cáo, giới thiệu, rao bán buôn bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công ty Luật TGS (thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội): Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để xử lý các đối tượng vi phạm
Căn cứ Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định về tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”, theo đó người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả mà hành vi gây ra. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, pháp luật Việt Nam đã có các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến vũ khí khá đầy đủ. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ, vướng mắc trong việc áp dụng quy định pháp luật về xử lý những đối tượng chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.