Nhiều năm qua, dù được ưu đãi về cả thuế và chính sách, thế nhưng hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà đất công tại không ít đơn vị lại rất thấp, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Trường hợp điển hình như tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI) vốn là 1 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TPHCM. Mới đây, lãnh đạo SAGRI đã đề xuất với UBND thành phố xin được trả lại 18 mặt bằng nhà đất do thành phố giao cho đơn vị này quản lý, sử dụng. Trong khi đến nay, chỉ mới có 2/18 mặt bằng mới được chính quyền thành phố xem xét và có quyết định thu hồi.
Câu hỏi đặt ra đối với 1 doanh nghiệp nhà nước lớn như SAGRI, vốn là một trong những đơn vị biểu tượng của TPHCM hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phức hợp về nông - lâm - thủy, hải sản. Điều đáng nói, SAGRI cũng chính là doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều sai phạm dẫn tới lãnh đạo nhiều bộ phận phải hầu tòa trong nhiều năm. Gần đây nhất, cả cấp cao nhất là chủ tịch HĐQT và HĐTV, các lãnh đạo qua các thời kỳ bị xử lý hình sự và xử lý kỷ luật liên quan đến các sai phạm kéo dài về vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và che giấu tội phạm. Điều đó lý giải vì sao các lãnh đạo đương nhiệm của SAGRI lại không mặn mà nhiều với hàng chục tài sản nhà đất có giá trị lớn đang sử dụng và quản lý.
Theo lãnh đạo SAGRI đương nhiệm, dù đơn vị này quản lý tới 42 mặt bằng, nhưng thực tế chỉ sử dụng khoảng 20 mặt bằng. Dù không sử dụng nhưng nhiều năm qua SAGRI vẫn phải đóng tiền thuê và để trống các mặt bằng đó. Đây hầu hết là những mặt bằng không sử dụng được do không còn phù hợp với quy hoạch hoặc đã hết hạn hợp đồng thuê đất từ lâu nhưng không xin được giấy phép mới.
Trường hợp tương tự tại 2 doanh nghiệp nhà nước là Công ty TNHH MTV Bò sữa TPHCM và Công ty TNHH MTV Cây trồng TPHCM dù được chuyển giao nguyên trạng SAGRI về trực thuộc UBND TPHCM từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc nhiều bất cập và chưa thực hiện xong chủ trương kể trên. Do không có chủ sở hữu, các doanh nghiệp không đổi được giấy phép kinh doanh, cộng thêm lãnh đạo cũ nghỉ hưu dẫn đến khó khăn cả trong giao kết các hợp đồng và dự án đầu tư cũng không có người duyệt. Vừa qua, quá trình thanh tra còn phát hiện nhiều thiếu sót, vi phạm trong việc sử dụng đất, quản lý vốn nhà nước và thực hiện dự án của cả 2 đơn vị này.
Một trường hợp điển hình của doanh nghiệp nhà nước phải loay hoay trong câu chuyện khoanh nợ và giãn nợ là Công ty cây trồng TPHCM. Hiện đơn vị này nợ thuế đất khoảng 280 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn điều lệ. Phía doanh nghiệp đã nhiều lần đề xuất được khoanh nợ, giãn nợ, vì không biết tìm đâu ra nguồn tiền để trả nợ thuế nhưng đến nay cũng vẫn chưa thể giải quyết ổn thỏa các tồn đọng, bất cập.
Theo nhận xét của Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết, tình trạng lãng phí, yếu kém tại một số doanh nghiệp nhà nước xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân do sử dụng, quản lý không tốt và cả nguyên nhân xuất phát từ quy định của pháp luật còn chồng chéo khiến đất đai không sử dụng được. Trong khi đó, nhiều thành viên Hội đồng giám sát của MTTQ TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận rằng, năng lực quản lý và sử dụng tài nguyên đất đai và vận dụng vốn giữa khu vực tư nhân và các doanh nghiệp nhà nước đang có chênh lệch và khoảng cách rất khác biệt. Vì vậy, việc sắp xếp, đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước cần được UBND TPHCM đặc biệt quan tâm trong thời gian tới đây.
Không chỉ quản lý và sử dụng hiệu quả đồng vốn ngân sách và tài nguyên đất đai, các doanh nghiệp nhà nước cần chủ động khắc phục khó khăn, ứng dụng khoa học công nghệ, tái cơ cấu đội ngũ và cải cách cơ chế hoạt động trong sử dụng, quản lý, phát huy hiệu quả, hạn chế các lãng phí, tiêu cực liên quan.