Theo thống kê chưa đầy đủ của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, trên cả nước đã xảy ra 174 vụ tai nạn giao thông, làm chết 122 người, bị thương 150 người. So sánh với cùng kỳ năm trước (từ 29/12 năm Mậu Tuất đến mùng 4/1 năm Kỷ Hợi), tai nạn giao thông trong Tết Canh Tý giảm 14 vụ (giảm 7,4%), giảm 32 người bị thương (giảm 27,11%), nhưng tăng 9 người chết (tăng 7,96%). Như vậy là trong khi số vụ tai nạn giảm được 7,4% thì số người chết lại tăng gần 8%.
Cảnh sát giao thông Hà Nội phân luồng giao thông trong đêm giao thừa.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến kết quả số vụ tai nạn giao thông giảm là nhờ tác dụng răn đe hữu hiệu của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Nhờ vậy, các bệnh viện lớn trong dịp Tết đã giảm tải đáng kể những ca cấp cứu bệnh nhân bị thương nặng do tai nạn giao thông. Chỉ tính riêng trong Tết Canh Tý này, số ca cấp cứu do tai nạn giao thông tại các cơ sở y tế đã giảm 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Song, đáng tiếc là dù số vụ tai nạn giao thông đã giảm, nhưng số người chết lại tăng cao đột biến trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Nguyên nhân của những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến nhiều người chết bước đầu được xác định chủ yếu vẫn là do những người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Điều đó cho thấy trong khi đại bộ phận người dân chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về việc không lái xe khi uống rượu bia, vẫn còn không ít người vẫn coi thường tính mạng của bản thân và người khác.
Dù nói thế nào thì cũng không thể phủ nhận Nghị định 100 đã thực sự đi vào cuộc sống, không chỉ tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, mà còn phát huy tác dụng răn đe, phòng ngừa các vụ tai nạn giao thông. Hầu hết mọi người dân đều hết sức ủng hộ chủ trương xử lý nghiêm khắc những người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Đối với số ít bất chấp quy định của pháp luật đã có những tấm gương bị phạt hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng vài chục triệu đồng, kèm theo việc tước giấy phép lái xe có thời hạn hoặc vĩnh viễn, để soi lại mình mà không dám ngang nhiên vi phạm.
Song, dù cả hệ thống chính trị vào cuộc, dù các cơ quan chức năng có “căng” hết sức thì cũng không thể kiểm soát hoàn toàn các cung đường lớn nhỏ, từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến trung du miền núi... Đó chính là lý do mà dù số vụ tai nạn thương tích nói chung và số vụ tai nạn giao thông nói riêng đã giảm đáng kể, nhưng số người chết lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua. Chỉ cần một chút lơ là của lực lượng chức năng, vẫn có người cố tình bất chấp các quy định của pháp luật, uống đến say mèm vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn.
Vậy mới nói, muốn kéo giảm cả 3 tiêu chí: Số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương, thì chỉ với sự tích cực của các cơ quan chức năng vẫn là chưa đủ, mà còn cần hơn cả là ý thức của mỗi người dân khi tham giao giao thông. Riêng những trường hợp ngoan cố không chấp hành quy định của pháp luật, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa, thậm chí nếu gây hậu quả nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm mục đích răn đe phòng ngừa chung. Làm sao để mỗi người khi ra đường hoặc là tự có ý thức bảo vệ bản thân và người khác, hoặc phải biết sợ khi nghĩ đến hậu quả của việc bất chấp pháp luật.
Mỗi năm Tết đến Xuân về lẽ ra phải rộn rã niềm vui, chan hòa hạnh phúc, thì ở đâu đó trên khắp đất nước vẫn còn cảnh đau thương mất mát của những gia đình có người thân chết hoặc mang thương tật suốt đời do tai nạn giao thông. Làm sao có thể không đau lòng khi con mất cha, vợ mất chồng, kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh... với những cái chết không đáng do sự bất cẩn, cẩu thả của bản thân mà ra? Khi mà mỗi người tự ý thức được việc đảm bảo an toàn cho bản thân tức là đã góp phần bảo đảm an toàn cho người khác. Khi mà ai cũng cẩn trọng, cũng tuân thủ pháp luật thì lẽ nào tai nạn giao thông lại có thể xảy ra?
Để mỗi dịp nghỉ Tết Nguyên đán chỉ còn là niềm vui sum vầy trọng vẹn, không còn những khổ đau mất mát thì ngoài việc mỗi người tham gia giao thông phải tự nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, tự bảo vệ tính mạng và tài sản của bản thân, còn cần đến sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, phải coi việc chấn chỉnh, đảm bảo an toàn giao thông cũng là một nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Hơn thế nữa, nếu thấy cần thiết thì nâng cao hơn nữa mức xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu như chế tài hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh những người cố tình vi phạm. Có như vậy mới mong kiềm chế, tiến tới đẩy lùi vấn nạn tai nạn giao thông.