Cân nhắc khai thác dầu thô

Minh Phương 08/07/2016 12:00

6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 là 6,47%. Mức tăng trưởng này theo nhận định của giới chuyên gia, khả năng đạt tăng trưởng GDP 6,7% như mục tiêu Quốc hội đặt ra là rất khó. Trước thực tế này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra ý tưởng, cần phải múc thêm 2 triệu tấn dầu thô mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm nay. 

Hút dầu thô để đảm bảo tăng trưởng

Trong báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm cũng đã nhắc đến việc khai thác thêm dầu thô để hỗ trợ tăng trưởng 2016. Thực tế, đây không phải lần đầu tiên, dầu thô được đề cập trong tình thế cấp bách về tăng trưởng GDP.

Thời điểm này năm ngoái, khai thác thêm dầu thô cũng là ý tưởng được nhà quản lý nghĩ đến đầu tiên khi nhìn vào mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% của năm 2015. Bởi, nếu không múc thêm dầu thô đem bán, mục tiêu ấy khó lòng đạt được. Được biết, từ kế hoạch ban đầu khai thác 14,74 triệu tấn, đến hết năm 2015, tổng cộng đã có hơn 16,8 triệu tấn dầu thô được hút lên, tăng hơn 2 triệu tấn.

Mức giá dầu năm 2015 trung bình là 54,5 USD/thùng, dẫu sao vẫn cao hơn thời điểm đầu năm nay. Hồi giữa tháng 1-2016, giá dầu thô đã xuống đáy, mức thấp nhất là 28 USD/thùng. Sau đó, giá dầu thô đang tăng trở lại, hiện dao động quanh mức 48 USD/thùng, tăng 70% so với mức giá thấp nhất hồi đầu năm. Dự báo, giá dầu thô còn có nhiều biến động khó lường, có thể còn tăng cao trong thời gian tới.

Đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tăng thêm sản lượng 2 triệu tấn dầu để tăng nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6,7% đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Theo giới chuyên gia kinh tế, việc khai thác tài nguyên để giúp giữ vững tăng trưởng kinh tế không hẳn là giải pháp hợp lý, nhất là khi, mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang được Chính phủ và cộng đồng DN hướng tới.

Không thể đánh đổi bằng mọi giá

Trao đổi với Đại Đoàn Kết về ý tưởng này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, (Học viện Tài chính) cho rằng, trong thời điểm hiện nay, nhìn vào nguồn thu của Ngân sách Nhà nước đang bị hụt lớn, thì việc khai thác thêm 2 triệu tấn dầu thô để bù vào tăng trưởng chỉ là một giải pháp tức thời, mà nếu như vì mục tiêu phát triển lâu dài là chưa hợp lý.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, trong thời điểm nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, Việt Nam đang tiếp cận với nhiều đối tác mạnh như Mỹ, EU, ASEAN… thì trong tương lai gần, các khoản thu thuế cho ngân sách Nhà nước sẽ giảm đi. Đó là thực tế mà chúng ta nhìn thấy ngay trước mắt.

Và để bù cho sự sụt giảm đó, nhà quản lý đang phải tìm cách nào đó, do đó việc khai thác thêm 2 tấn dầu thô là giải pháp được nhà quản lý lựa chọn. “Như chúng ta đã biết, đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng múc dầu lên bù tăng trưởng được đưa ra. Song, việc này cần phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, vì khi chúng ta khai thác tài nguyên để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế là chúng ta đang phải đánh đổi. Hoặc lựa chọn sự phát triển bền vững, tăng trưởng xanh hoặc đáp ứng mục tiêu tăng trưởng ngay trước mắt, bù đắp cho sự thiếu hụt của ngân sách Nhà nước” – TS. Thịnh nêu quan điểm và nhấn mạnh, chúng ta không thể cứ mãi đi khai thác tài nguyên để phục vụ tăng trưởng, về lâu dài, đây là giải pháp không bền vững. Theo TS. Thịnh, mục tiêu tăng trưởng đặt ra là 6,7% nhưng nếu có đạt thấp hơn mà giữ được sự ổn định, tăng trưởng bền vững thì vẫn còn hơn là cố gắng đạt được theo mục tiêu mà phải đánh đổi bằng mọi giá.

Cũng không đồng tình với việc khai thác tài nguyên để phục vụ tăng trưởng ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, biện pháp này không thể giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững của cả nền kinh tế. Muốn phát triển bền vững, cần phải xem lại thu chi ngân sách thời gian qua đã hợp lý hay chưa. “Thời gian qua, chúng ta chi nhiều khoản lãng phí, thu vượt chi, thu không đủ chi, dẫn đến tình trạng phải nợ lớn. Nếu chấm dứt được tình trạng này thì mới có thể nói đến sự ổn định, bền vững của nền kinh tế” – ông Hải nhấn mạnh.

Giới chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, tăng trưởng kinh tế cần phải dựa trên yếu tố môi trường, nếu cứ chỉ nhằm khai thác tài nguyên phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng mà quên đi bảo vệ môi trường, không tính đến những hệ lụy của nó thì sự tăng trưởng đó cũng trở nên vô nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cân nhắc khai thác dầu thô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO