Hà Nội đã trở thành thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Tuy nhiên, không gian sáng tạo lại đang rất thiếu. Trong khi đó, những năm qua, nhiều cao ốc, dự án mọc lên trên nền các nhà máy cũ (những di sản công nghiệp một thời) đã khiến cho mật độ đô thị trở nên ngột ngạt.
Xung quanh vấn đề này, TS.KTS Ngô Doãn Đức - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nguyễn Trãi đã có cuộc trao đổi cùng PV Đại Đoàn Kết.
PV:Tới đây, một số nhà máy trong nội đô Hà Nội sẽ di dời. Diện tích đất nhà máy cũ sẽ được sử dụng nhằm góp phần tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng các công trình công cộng, đảm bảo hạ tầng xã hội, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị. Ông nhìn nhận như nào về chủ trương này?
TS.KTS Ngô Doãn Đức: Việc di dời dây chuyền sản xuất để tránh ô nhiễm, tránh chuyện sản xuất cản trở giao thông… đây là chủ trương đúng, là điều tất yếu của một đô thị phát triển như Hà Nội.
Quỹ đất này được lồng ghép vào sự phát triển mới. Sau khi hết nhiệm vụ sản xuất sẽ được chuyển hóa chức năng để hòa nhập sự phát triển về mặt quy hoạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng Hà Nội là thành phố di sản. Vì vậy chúng ta hãy nhìn lại, những nhà máy đã được di dời thì hiện nay quỹ đất đó đã được sử dụng ra sao? Dễ dàng nhận thấy, hầu hết những nhà máy đã di dời phần lớn hướng đến chuyện xây trung tâm thương mại, nhà ở…
Khi di dời đi, những nhà máy, xí nghiệp có diện tích rất lớn và đây chính là “đất vàng” để xây dựng các không gian công cộng, phục vụ cho cuộc sống của người dân.
Việc bảo tồn di sản công nghiệp thông qua hình thành các không gian văn hóa sáng tạo trên nền nhà máy cũ ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Số nhà máy sau khi di dời phần nhiều sử dụng để xây dự án. Phải chăng yếu tố lợi nhuận là rào cản chi phối điều đó, thưa ông?
- Vừa qua, khi chúng ta sử dụng quỹ đất của nhà máy xí nghiệp thường nhìn vào lợi ích trước mắt. Đó là lợi ích kinh tế. Nhưng chúng ta cần phải suy nghĩ lại vì thời gian vừa qua đã phát triển lợi ích trước mắt nhiều hơn lợi ích lâu dài.
Lợi ích lâu dài ở đây là sự cân đối liều lượng về mặt văn hóa, lịch sử và kinh tế. Trong nội đô của Hà Nội có một số nhà máy cho chủ trương di dời đi thì phần lớn thiên về lợi ích trước mắt. Nếu chúng ta cứ tập trung vào việc xây dựng nhà ở cao tầng sẽ gây ra một số vấn đề, khiến cho hạ tầng của Hà Nội bị chất tải. Có thể kể đến như nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo; Nhà máy cơ khí 120 ở địa chỉ 609 Trương Định (Hoàng Mai); Công ty Dệt Mùa đông…Những công trình cao tầng mọc lên đã làm tăng mật độ dân số, giao thông quá tải, làm mất không gian công cộng. Những dự án đó chỉ thuần túy phát triển kinh tế, không đề cập đến giữ gìn những giá trị văn hóa, di tích lịch sử…
Vậy theo ông, cần phải làm gì để không xảy ra tình trạng “nhồi nhét” nhà ở cao tầng trên những diện tích nhà máy di dời. Từ đó tạo quỹ đất cho những khoảng trống để phát triển không gian công cộng, không gian văn hóa sáng tạo, cân bằng hài hòa trong nội đô?
- Qua thực tế vừa rồi, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận về các khu đất ở những nhà máy cũ di dời cần phải công khai quy hoạch. Đừng ăn xổi mà làm mất cân đối hạ tầng trong tương lai. Công tác quy hoạch rất quan trọng, thể hiện tầm nhìn và giúp khoa học hóa không gian. Qua đó sẽ cân đối phát triển kinh tế, văn hóa, lịch sử. Nhất là trong khu vực nội đô. Vì thế phải tổ chức lựa chọn phương án quy hoạch chứ không thể giao cho một đơn vị. Khi đã có phương án thì cần lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà văn hóa, kiến trúc sư…
Cùng với đó là cần phải làm tốt công tác quản lý. Bởi vẫn để xảy ra tình trạng điều chỉnh quy hoạch. Thực tế có thể thấy, Hà Nội hễ trống chỗ nào là dự án mọc lên chỗ đó…
Phải chỉ ra được những khía cạnh về văn hóa, kinh tế, lịch sử đối với nhà máy xí nghiệp được di dời. Vậy bây giờ với những nhà máy chuẩn bị được di dời, điển hình như khu nhà máy Cao – Xà – Lá là những xí nghiệp gợi nhớ hình ảnh một thời đã góp sức vào sự phát triển kinh tế trong thời gian bao cấp. Khi Thủ đô phát triển, nơi đây đã chuyển mình nhường lại quỹ đất để phát triển thì cần phải dành một phần để lưu giữ lịch sử. Có nghĩa là giữ được những hình ảnh một cách tích cực nhất và tạo ra những không gian sáng tạo mới; khu sinh hoạt cộng đồng…
Làm được điều đó, khi đến thăm quan, du khách sẽ thấy được toàn bộ hình ảnh về lịch sử và phát triển một thời kỳ của nhà máy. Văn hóa, lịch sử là ở đó.
Trân trọng cảm ơn ông!