Tại cuộc họp báo quý 3, đại diện Bộ GDĐT đã giải đáp nhiều vấn đề “nóng” như sách giáo khoa, phương án thi, tuyển sinh giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025 được xác định cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2020, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi cho phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Cần có quy định cụ thể
Cụ thể, theo thông tin từ Bộ GDĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ giữ ổn định như năm 2020, không có bất kỳ đổi mới, xáo trộn nào. Năm 2021 vẫn thi trên giấy, đồng thời cũng là năm chuẩn bị điều kiện để thử nghiệm thi trên máy tính theo lộ trình thích hợp. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, để triển khai thí điểm việc thi tốt nghiệp THPT trên máy tính rất cần chuẩn bị kỹ lưỡng, không gây bất bình đẳng giữa thí sinh thi trên máy tính và thi trên giấy truyền thống.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng: Không thi thì chỉ còn một cách là xét học bạ. Thế nhưng xét học bạ trong tình hình hiện nay dễ xảy ra tiêu cực. Do từng vùng của chúng ta khác nhau và trình độ giáo viên cũng khác nhau. Cho nên nếu để xét học bạ thì sẽ có nhiều tiêu cực. Do đó, dù 80 - 90% học sinh đỗ tốt nghiệp thì vẫn phải thi”.
Giữ kỳ thi THPT ổn định sẽ tạo điều kiện để các trường, các thầy cô giáo và học sinh chủ động hơn trong việc chuẩn bị kỳ thi cuối năm. Tuy nhiên, ông Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội mong muốn Bộ GDĐT sớm có những công bố cụ thể về kỳ thi tốt nghiệp năm 2021.
Ông Tùng chia sẻ: “Bộ nói kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 giống với năm 2020 là giống như thế nào? Có giống hoàn toàn hay không? Cụ thể thi những môn nào? Các bài tổ hợp có giữ nguyên hay không? Các điểm thành phần của các bài tổ hợp có công bố hay không? Cách xét tốt nghiệp như thế nào? Bởi vì cũng có những thông tin chúng tôi biết được là việc xét tốt nghiệp sắp tới có thể sẽ không tính điểm học bạ nữa. Chúng tôi mong muốn Bộ GDĐT sẽ công bố sớm nhất và đầy đủ nhất”.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, phương án thi trên máy tính nếu được thực hiện tốt sẽ giúp các trường ĐH,CĐ có thêm một kênh nữa để tuyển sinh. Tuy nhiên, điều cần quan tâm sát sao là ngân hàng câu hỏi đề. Cũng theo ông Trần Mạnh Tùng, để thực hiện tốt thi trên máy tính cần chuẩn bị rất nhiều công đoạn, trong đó việc xây dựng ngân hàng câu hỏi cần tận dụng nguồn lực từ phía sở GDĐT.
“Chúng ta bắt đầu triển khai thi trắc nghiệm từ năm 2002. Khi đó Bộ GDĐT đã có nhiều cách, trong đó có một cách tận dụng nguồn lực câu hỏi từ phía các sở GDĐT và rót xuống kỹ hơn là từ phía các trường. Ví dụ có thể giao chỉ tiêu là mỗi một trường phải đáp ứng được một ngân hàng đề như thế nào, có sự đánh giá từ phía trường rồi sau đó thì sở sẽ thẩm định, các sở sẽ nộp lại về Bộ. Đề thi không phải là cái khó, cái khó ở đây là định hướng câu hỏi theo hướng nào, hình thức như thế nào, quy chuẩn ra làm sao”, ông Tùng nói.
Thành lập các trung tâm khảo thí
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), cách thi trên máy tính đồng hành cùng với thi trên giấy để đảm bảo tính khả thi không gây sốc và khó khăn cho học sinh. Đặc biệt là không gây bất bình đẳng giữa thi trên giấy, thi trên máy tính giữa học sinh vùng thuận lợi và khó khăn. Bộ GDĐT sẽ cùng với các địa phương và những bộ, ngành có liên quan xây dựng lộ trình một cách khả thi và hiệu quả nhất… Với địa phương có điều kiện, chuẩn bị tốt cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy tính, phần mềm và đặc biệt là chuẩn bị kỹ năng sử dụng máy tính cho thí sinh, cùng với việc phát triển ngân hàng câu hỏi phù hợp, khi đó chúng ta sẽ từng bước thử nghiệm và tiến tới mở rộng dần.
Qua tổ chức các kỳ thi THPT quốc gia, đặc biệt từ năm 2017 trở lại đây, nhất là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, các thí sinh được dự thi tại trường THPT, đi thi cũng như đi học. Như vậy, khoảng cách giữa học sinh ở nông thôn và thành thị, học sinh ở nơi có điều kiện và nơi khó khăn hơn đã được giảm đi rất nhiều. Do đó, việc đưa máy tính vào kỳ thi này cũng phải bảo đảm quyền lợi cho thí sinh cả nước, theo phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.
“Để triển khai được việc này, chúng ta có 6 nhóm vấn đề cần phải chuẩn bị. Thứ nhất là phải ban hành được hệ thống quy chế hướng dẫn về công tác thi ở trên máy tính. Thứ hai là phải xây dựng được hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin như máy tính, đường truyền, thiết bị an ninh, thiết bị quan sát… Thứ ba là xây dựng phần mềm tổ chức thi trên máy tính. Thứ tư là phải có ngân hàng câu hỏi phù hợp để tổ chức thi trên máy tính này. Thứ năm, chúng ta phải tập huấn cho đội ngũ giáo viên tổ chức thi trên máy tính. Và thứ sáu là chuẩn bị kỹ năng để học sinh sử dụng máy tính và thi trên máy tính”, ông Trinh cho biết.
Cũng theo ông Trinh, để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình thì việc hình thành các trung tâm khảo thí là điều hết sức cần thiết. Ngoài trung tâm khảo thí quốc gia của Bộ GDĐT, các trường ĐH cũng có các trung tâm khảo thí. Các sở GDĐT, nếu có điều kiện cũng có thể có các trung tâm khảo thí. Và kể cả các trung tâm khảo thí độc lập của các tổ chức và cá nhân, nhưng nó sẽ vận hành chung trong một khuôn khổ, quy chế mà Bộ GDĐT sẽ ban hành.
Tới đây, Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu ban hành văn bản cũng như quy định cụ thể về cấu hình, vật chất, thiết bị của trung tâm khảo thí; quy chế thi trên máy tính; sử dụng kết quả thi. Trong tháng 10/2020 Bộ GDĐT sẽ gửi báo cáo trình Chính phủ về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025 để sớm ban hành.