Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn vừa gửi Bộ GTVT kiến nghị về dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Đáng chú ý, Lạng Sơn đề nghị Bộ GTVT quy hoạch tuyến Hà Nội - Đồng Đăng là tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm phát huy lợi thế của vận tải đường sắt giữa các nước ASEAN với Trung Quốc (phía Trung Quốc đã xây đường sắt tốc độ cao đến Nam Ninh), đồng thời giảm áp lực cho giao thông đường bộ...
Hiện, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng có vận tốc trung bình 40-60 km/h, là đường sắt khổ lồng, đường đơn, chạy đầu máy diesel. Với tổng chiều dài 167 km, thời gian đi tàu từ Đồng Đăng về Hà Nội là hơn 3 giờ.
Liên quan tới đề xuất trên, ông Vũ Quang Khôi - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng, theo các chiến lược, quy hoạch hiện nay về đường sắt, đối với các tuyến đường sắt hiện có kết nối với đường sắt Trung Quốc là Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, sẽ thực hiện cải tạo, nâng cấp, chưa đặt ra vấn đề đầu tư mới.
Được biết, hiện Bộ GTVT đang xây dựng quy hoạch mạng đường sắt quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trong báo cáo cuối kỳ, tư vấn lập quy hoạch khuyến nghị chỉ nên duy trì, khai thác tối đa tuyến đường sắt hiện có Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng và sửa chữa, nâng cấp một số đoạn xấu, hầm yếu, cầu yếu.
Theo tư vấn dự báo, lưu lượng vận chuyển đường sắt trên hành lang Hà Nội - Đồng Đăng rất thấp so với đường bộ. Cụ thể, dự báo đến năm 2030, về mật độ hành khách bình quân trên khu đoạn Hà Nội - Bắc Giang, đi bằng đường sắt chỉ khoảng 887.000 khách/năm, trong khi đường bộ là 37.062.000 khách/năm; khu đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn, đường sắt 609.000 khách/năm, đường bộ 29.565.000 khách/năm. Về mật độ hàng hóa bình quân đến năm 2030, trên khu đoạn Hà Nội - Bắc Giang, đi bằng đường sắt chỉ khoảng 802.000 tấn/năm, còn đường bộ lên đến 94.412.000 tấn/năm. Khu đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn, đi bằng đường sắt 189.000 tấn/năm, đường bộ 26.975.000 tấn/năm.
Theo ông Khôi, số liệu dự báo này còn phải rà soát tiếp, nhưng đã có thể hình dung được bức tranh nhu cầu vận tải đường sắt đến năm 2030 để xem xét có đầu tư mới tuyến này hay không.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu quy hoạch về đầu tư đường sắt tốc độ cao được duyệt, mới nghiên cứu đầu tư và phải thực hiện theo đúng Luật Đầu tư công. Việc nghiên cứu lập dự án đầu tư, hình thức đầu tư, nguồn vốn phải được đơn vị tư vấn nghiên cứu kĩ lưỡng, cẩn trọng.
Cũng có ý kiến đề nghị, trong điều kiện nguồn vốn nhà nước hạn chế, nếu đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP là tốt nhất, nhưng phải có được phương án tài chính rõ ràng, minh bạch.