Cần nhiều hơn nữa các bài viết mang tính phản biện

Hoàng Minh (thực hiện) 18/11/2016 09:40

PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về chất lượng cũng như sức lan tỏa của các tác phẩm đoạt giải.

Cần nhiều hơn nữa các bài viết mang tính phản biện

Ông Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về giải thưởng Báo chí Vì sự nghiệp Đại đoàn kết Dân tộc, cũng như sức lan tỏa của nó trong đời sống hôm nay?

Ông Hồ Quang Lợi: Trước hết, Hội Nhà báo Việt Nam rất phấn khởi khi được phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức giải Báo chí Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc. Đây là giải thưởng hết sức có ý nghĩa. Năm nay, giải thưởng đã thu nhận được rất nhiều bài viết có chất lượng của giới báo chí cả nước với nhiều loại hình báo chí, kể cả ảnh.

Những tác phẩm báo chí tham dự, đặc biệt là các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo và được trao giải thực sự là các tác phẩm chất lượng và đã góp phần lan tỏa trong đời sống xã hội và củng cố được khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các tác phẩm báo chí đã góp phần hết sức quan trọng để tăng cường sức mạnh nội lực mọi người dân Việt Nam trong việc góp sức xây dựng đất nước. Có thể khẳng định, các tác phẩm báo chí tham gia giải thưởng năm nay thực sự có ý nghĩa và có sức lan tỏa mạnh.

Tổng kết đánh giá giải thưởng, Ban Tổ chức cho hay: Số lượng tác phẩm phản ánh đấu tranh chống tiêu cực, đặc biệt là về vai trò giám sát phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam chưa nhiều? Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Năm nay, số lượng tác phẩm dự thi về đề tài chống tiêu cực và phản biện chưa thật nhiều. Nhưng có thể nói các tác phẩm xoay quanh đề tài này đều là những tác phẩm rất ấn tượng.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn có những bài viết trong lĩnh vực chống tiêu cực, tham nhũng và cũng như có nhiều hơn những bài viết có tính phản biện.

Ở đây, cần phải đề cao chức năng hết sức quan trọng của Mặt trận Tổ quốc các cấp. Chúng ta phải tạo được một không khí thật cởi mở, dân chủ trong xã hội.

Từ đó, giới báo chí phải là người đi đầu trong việc khơi nguồn. Bởi xã hội dân chủ, cởi mở thì báo chí mới có nhiều cơ hội để tiếp cận các đề tài. Tuy nhiên, tôi nghĩ báo chí đang có những tác động tích cực và động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội.

Ngoài ra, báo chí là tấm gương soi xã hội và thực hiện sức mạnh trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân chúng ta đang cùng nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ này.

Theo ông, báo chí cần phải làm gì để góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc?

- Trước hết, báo chí cần phải khích lệ những mặt tích cực trong xã hội, những nhân tố mới, những đóng góp của người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước để cùng xây dựng đất nước.

Đồng thời, thông qua các tác phẩm để đấu tranh với các hành vi sai trái, tiêu cực, nhất là tệ nạn tham nhũng. Đặc biệt là những hành vi mà chúng ta đang đấu tranh là theo lợi ích nhóm.

Những lợi ích đang đi ngược với lợi ích của đất nước, của nhân dân. Bên cạnh đó, báo chí cũng cần tăng thêm những bài viết có tính phản biện hơn nữa để góp phần xây dựng chính sách và điều hành chính sách.

Những tác phẩm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và mang tính phản biện đòi hỏi lao động báo chí ở một trình độ rất cao. Tức là vừa đòi hỏi các nhà báo phải có bản lĩnh, tay nghề vững vàng và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm đối với xã hội.

Đặc biệt là đấu tranh mạnh mẽ nhưng phải lấy cái “chống” để mà “xây”, khích lệ cái tốt để chống lại cái xấu. Trong đó, tính trách nhiệm và xây dựng xã hội luôn luôn phải được đề cao.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần nhiều hơn nữa các bài viết mang tính phản biện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO