Giáo dục

Cần những bữa ăn đủ chất và lượng

Vi Cầm 21/12/2023 07:22

Nhờ có hiệu ứng từ truyền thông, những học sinh ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) đã có những bữa ăn đủ định lượng. Lâu nay, việc bớt xén khẩu phần ăn của trẻ luôn là vấn đề khiến phụ huynh trăn trở. Đáng trách hơn, hiện tượng này không mới và nhiều trường học vẫn “nhắm mắt làm ngơ”.

anh-bai-phu.jpg
Bữa ăn bán trú của học sinh. Ảnh: Trường Tiểu học Thăng Long- Hà Nội.

Những ngày qua, thông tin về việc 11 học sinh bán trú ăn chung 2 gói mì tôm chan cơm ở Lào Cai đã khiến nhiều phụ huynh và cộng đồng mạng bất bình. Bởi theo quy định của Chính phủ, học sinh vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được hưởng những chính sách ưu đãi để các em có cơ hội bình đẳng về giáo dục. Nghị định 116/2016 của Chính phủ quy định mức hỗ trợ tiền ăn bán trú, hỗ trợ gạo cho học sinh vùng khó khăn, học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách. Cụ thể, hỗ trợ tiền ăn: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh, (lương cơ sở hiện hành là 1.800.000 đồng/tháng). Hỗ trợ tiền nhà ở: học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được cấp mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Trước vụ việc ở Lào Cai, câu chuyện nhân viên bếp ăn của một trường THPT tại Sơn La bỏ thuốc trừ sâu vào thức ăn của học sinh cũng khiến dư luận phẫn nộ. Nguyên nhân xuất phát từ lợi ích trong việc cung cấp thực phẩm cho bữa ăn bán trú của học sinh. Nhân viên nọ nảy sinh ý định bỏ thuốc trừ sâu, thuốc diệt gián vào khẩu phần ăn của học sinh đăng ký ăn tại nhà trường, nhằm mục đích để các em bị ngộ độc, nhà trường phải thay nhà cung cấp thực phẩm.

Bớt xén khẩu phần ăn của trẻ là điều đáng lên án. Nhưng sẵn sàng bỏ thuốc trừ sâu vào thức ăn của học sinh, chứng tỏ “miếng bánh” lợi nhuận từ việc cung ứng thực phẩm, từ việc bớt xén khẩu phần ăn của các em đã làm mờ mắt không ít người lớn. Thành thử, những khẩu phần ăn trưa của học trò lẽ ra ngon và bổ dưỡng, bỗng trở nên “đắng nghét”. Nếu không phát hiện kịp thời, các em bị ngộ độc tập thể, không biết chuyện gì sẽ xảy ra…

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, học sinh - nhất là đối tượng mầm non, tiểu học rất cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Khẩu phần ăn hợp lý của trẻ đã được nghiên cứu, tính toán định lượng dinh dưỡng, do đó việc bớt khẩu phần ăn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trưởng thành về thể chất, trí lực của trẻ.

Ngay sau vụ việc tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có liên quan.

Trên thực tế, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học phổ thông năm 2022, song những sự việc xảy ra như đã nêu ở trên cho thấy còn nhiều thiếu sót, tắc trách trong giám sát quản lý. Việc xử lý nghiêm các sai phạm là điều cần phải làm để tạo sự yên tâm, lấy lại niềm tin cho phụ huynh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần những bữa ăn đủ chất và lượng