Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 22/2020/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên vấn đề được đặt ra là, ngoài việc hỗ trợ về giảm tiền thuê đất, rất cần thêm những gói kích cầu mới.
Theo Quyết định này, đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hoặc hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phải ngừng sản suất kinh doanh từ 15 ngày trở lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cụ thể sẽ giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với người thuê đất, không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2020 và tiền chậm nộp nếu có. Đặc biệt, quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất có nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhau nhưng chỉ ngừng một hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu đất, thửa đất đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp.
Khác với đợt dịch trước, lần này chỉ những khu vực có dịch mới bị giãn cách xã hội, còn các cơ sở sản xuất kinh doanh khác vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất kinh doanh phần nào cũng bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch.
Tại phiên họp tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, các gói hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt gói an sinh xã hội đã giải quyết một bước tình hình khó khăn của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng thời gian tới cần quyết liệt triển khai nhanh hơn, trúng hơn và mở rộng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, tuy dịch tác động ở một vài địa phương nhưng mức độ ảnh hưởng là toàn diện chứ không phải một số ngành nghề. Các hộ kinh doanh đang bị tác động bởi dịch nên việc hỗ trợ giảm tiền thuê đất cho họ hết sức quan trọng vì thuê đất chiếm một lượng lớn trong sản xuất kinh doanh. Ngân sách hiện nay đang khó khăn, và tiền thuê đất hàng năm là nguồn thu lớn của Chính phủ, giờ giảm thuế khiến giảm một lượng lớn chứ không phải ít. Dịch bệnh còn kéo dài chứ không phải chỉ diễn ra trong năm 2020. Cho nên năm nay bội chi ngân sách rất lớn, nguồn thu ngày càng hẹp trong khi chi phí ngày càng phình ra.
Trong thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19 phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, Quốc hội đã có nghị quyết xem xét việc miễn, giảm thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc dẫn đến giảm thuế thu nhập cá nhân; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025.
Trong khi đó, Bộ Tài chính đã xây dựng 19 thông tư miễn, giảm phí, lệ phí đề xuất về chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch.
Tuy nhiên ông Hiếu nhìn nhận, việc giảm thuế hay giảm tiền thuê đất chỉ là một trong những giải pháp mà quan trọng cần những giải pháp “kích cầu” khác. Bây giờ, doanh nghiệp cần khả năng thanh khoản, chi trả. Nếu không có khả năng chi trả lương cho lao động, thuê mặt bằng, nhà cung cấp và nợ ngân hàng thì doanh nghiệp sẽ phá sản. Vì vậy cần gói hỗ trợ khác cho các hộ sản xuất kinh doanh bằng cơ chế Quỹ bảo lãnh tín dụng.
Cho rằng sự tác động không chỉ một vài ngành nghề mà theo chuỗi, thời gian dịch có thể kéo dài, ông Hiếu đề xuất: Để đối phó cho nền kinh tế trong thời gian tới Chính phủ cần đưa ra gói biện pháp mạnh tay. Cụ thể, khi nguồn thu bị eo hẹp, giới hạn trong khi chi phí ngày càng “nở” ra, do đó có thể in tiền ra để cứu trợ nền kinh tế như các nước trên thế giới đang áp dụng hiện nay. Nguồn thu của Chính phủ chủ yếu dựa vào thuế, song các doanh nghiệp làm ăn không có lãi, không có tiền đóng thuế. Do đó công cụ tiền tệ bằng cách “cung tiền” tăng lên nằm trong sự điều hành của Chính phủ.