Bất động sản

Cần rà soát, hoàn thiện chính sách thuế bất động sản

Hồ Hương 29/10/2024 16:47

Ngày 29/10, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính phối hợp với Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo Thực tiễn áp dụng chính sách thuế bất động sản (BĐS) ở các nước và kiến nghị cho Việt Nam.

Nhằm giảm giá nhà ở, BĐS và ổn định thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Văn phòng Chính phủ một số giải pháp. Cụ thể, thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực BĐS mới được ban hành như: Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024… và các văn bản quy định chi tiết.

anhbds.jpg
Giá nhà đang tăng quá cao vượt khả năng chi trả của người dân

Cơ quan này cũng đề xuất chính sách đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, việc mua đi bán lại nhà, đất trong thời gian ngắn để kiếm lời đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế...

Thuế BĐS là một trong những loại thuế xuất hiện sớm nhất và đang được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Thuế BĐS góp phần bổ sung cùng thuế thu nhập trong việc tái phân phối của cải xã hội, giảm bớt chênh lệch về BĐS giữa các cá nhân, các tầng lớp dân cư, động viên hợp lý sự đóng góp của chủ sở hữu nhà, đất. Thuế BĐS được áp dụng ở các nước nhằm đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường quản lý việc sử dụng BĐS, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường BĐS.

Bà Lê Thị Thuỳ Vân – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính Hiện nay, cải cách thuế BĐS đã và tiếp tục trở thành một nội dung quan trọng trong lộ trình cải cách thuế ở nhiều quốc gia nhằm thích ứng với các điều kiện thay đổi của KT-XH cũng như tiến trình phân cấp ngân sách trong nhiều thập niên qua. Trong quá trình cải cách thuế BĐS, các nước thường xác định mục tiêu rõ ràng liên quan đến vấn đề quản lý thị trường BĐS; đảm bảo công bằng xã hội; khắc phục những vướng mắc phát sinh của các quy định hiện hành; tạo lập nguồn thu bền vững cho NSNN. Nội dung chính của thuế BĐS được các quốc gia chú trọng sửa đổi, bổ sung bao gồm: đối tượng chịu thuế, giá tính thuế, thuế suất. Đồng thời, khi thực hiện điều chỉnh thuế BĐS, các quốc gia đều có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá trên nhiều khía cạnh để phù hợp với bối cảnh, điều kiện KT-XH trong từng giai đoạn.

Tại Việt Nam, hệ thống chính sách thuế đối với sử dụng đất tại Việt Nam bao gồm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế sử dụng đất nông nghiệp. Về cơ bản, chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và đất nông nghiệp đã góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế, do sự biến động nhanh của kinh tế chính trị thế giới nói chung cũng như kinh tế Việt Nam nói riêng, chính sách thuế sử dụng đất còn một số hạn chế (như chưa bao quát được nguồn thu, mức động viên còn thấp...), do đó, cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện để có những điều chỉnh phù hợp hơn trong từng bối cảnh.

Thực tế cho thấy, chính sách thuế BĐS tác động trực tiếp đến lợi ích kinh tế của các chủ thể trong nền kinh tế, với vai trò phân phối lại nguồn lực tài chính từ đất đai có tác động to lớn đến hành vi sử dụng đất đai, có tác động trực tiếp đến hiệu quả sử dụng đất đai. Chính sách thuế BĐS có mối quan hệ chặt chẽ và là trung tâm của các chính sách về đất đai. Yếu tố cốt yếu của chính sách thuế BĐS là phải xác định đúng cơ cấu và nguồn gốc tạo ra giá trị của đất đai và tài sản gắn với đất đai để có cách thức điều tiết công bằng đối với các chủ thể có liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và đảm bảo lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân trong đầu tư, quản lý, sử dụng đất đai.

PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) chia sẻ: Ở hầu hết các quốc gia, thuế BĐS tuy không chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách nhà nước nói chung song lại là một nguồn thu đáng kể của chính quyền địa phương. Việt Nam đang tiếp tục cải cách hệ thống thuế trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong đó, việc nghiên cứu hoàn thiện chính sách thuế BĐS ở Việt Nam sẽ hữu ích hơn khi dựa trên nền tảng cơ sở lý luận vững chắc, tức là những quy luật có tính khái quát cao trên cơ sở thông lệ quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần rà soát, hoàn thiện chính sách thuế bất động sản