Sau 5 năm phát động cuộc thi “Sáng tác phác thảo Tượng đài Hùng Vương” và sau 2 năm lựa chọn mẫu để chỉnh sửa, đến nay, chưa có mẫu tượng Hùng Vương nào chính thức được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phải chăng, vì cuộc thi quá gấp gáp, chỉ diễn ra trong vòng 6 tháng nên các tác giả chưa có điều kiện nghiên cứu? Nên chăng, phát động một cuộc thi thứ hai để tuyển chọn?
Mẫu tượng HV-01 trong cuộc thi năm 2015.
Năm 2009, Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Hùng được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2012, UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Để tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa to lớn như vậy, nên tháng 8/2015, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 1569/QĐ-UBND về việc duyệt Đề án tổ chức và thể lệ thi tuyển “Sáng tác phác thảo Tượng đài Hùng Vương” tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Vị trí mặt bằng dự kiến đặt tượng đài sẽ là trên đồi Phân Bùng thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Người dự thi sẽ phải tự nghiên cứu, triển khai phương án quy hoạch không gian mặt bằng tổng thể, sáng tác phác thảo mẫu tượng đài Hùng Vương.
Một cuộc thi (dù chỉ là do cấp tỉnh phát động) nhưng ý nghĩa thật lớn. Vì mẫu tượng đài nào được duyệt sẽ trở nên nổi tiếng không chỉ với mọi người dân Việt Nam mà cả với du khách thế giới. Đối tượng dự thi gồm tất cả các cá nhân, các nhóm tác giả, các tổ chức trong nước và ngoài nước có đủ năng lực thiết kế kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc… theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thế nhưng, thời gian diễn ra cuộc thi thật quá ngắn. Thời gian tổ chức phát hành hồ sơ từ ngày 15/8/2015 đến ngày 13/9/2015. Thời gian nộp phương án dự thi vòng 1: Trong giờ hành chính từ ngày 14/12/2015 đến trước 16h30 ngày 18/12/2015. Như vậy, thời gian diễn ra cuộc thi từ lúc phát hồ sơ đến khi nhận tác phẩm là 4 tháng. Vòng 2 sẽ được hội đồng chấm và tổ chức phát phiếu thăm dò các mẫu cho người dân đến Khu di tích Đền Hùng xem.
Trên cơ sở kết quả tổng hợp thi tuyển vòng 2, BTC đã quyết định lựa chọn mẫu tượng đài Hùng Vương trên cơ sở 2 phương án đã được Hội đồng nghệ thuật cuộc thi lựa chọn gồm: Phương án HV- 01 của công ty TNHH xây dựng Mỹ thuật Hà Nội và Phương án HV-03 của nhóm tác giả Phạm Xuân Khánh. Khi tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, phương án HV-01 đạt 8.213 phiếu bình chọn (82,2%), phương án HV-03 đạt 1.061 phiếu bình chọn (10,62%). Ngoài ra, có 9 trên 11 thành viên Hội đồng nghệ thuật tham gia bỏ phiếu bình chọn thì HV-01 được 9/9 phiếu (100%), HV-03 được 8/9 phiếu (88,9%); trong số 13 phiếu của Ban Thường vụ thì HV-01 được 7 phiếu (53,85%), HV-03 được 6 phiếu (46,15%).
Bà Mai Hoa- một trong số tác giả mẫu phác thảo HV-01 trình bày: cụm tượng đài Quốc tổ Hùng Vương với hình tượng Quốc tổ đứng trên bệ vững chắc, gương mặt quắc thước, hiền từ, gần gũi trong tư thế đứng hiên ngang của vị vua khởi đầu dựng nước. Tay phải giơ ngang ngực hướng về phía trước tạo sự giao lưu với công chúng như hình ảnh đón con cháu về. Một tay đỡ những bông lúa thể hiện nền văn minh lúa nước.
Còn với mẫu HV-03 nhận được sự đánh giá của hội đồng: “Dáng đứng thẳng, vươn cao hiên ngang, nét mặt vui tươi, thân thiện hướng tới nhân dân trong quần thể đẹp”. Hùng Vương trong mẫu tượng này cũng cầm những hạt thóc, thể hiện nền văn minh lúa nước, mở hội Tịch Điền từ xưa và lưu truyền tới ngày nay.
Đầu năm 2017, hai mẫu tượng HV-01 và HV-03 được tỉnh Phú Thọ trình Ban Bí thư xem xét, quyết định. Tuy nhiên, dù đánh giá cao nhưng các mẫu tượng đều chưa đạt, cần hoàn thiện thêm. Ban Tuyên giáo Trung ương mới chỉ đồng ý về chủ trương, vị trí dựng tượng đài.
Vì vậy, để góp phần tìm hiểu về “diện mạo Hùng Vương”, ngày 8/5/2018, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) tổ chức hội thảo: “Quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035”. Ngoài vấn đề nêu về diện mạo vua Hùng sẽ như thế nào? BTC hội thảo còn đặt ra vấn đề không nên để các địa phương mạnh ai nấy làm dựng tượng Quốc tổ Hùng Vương.
Tại hội thảo, GS Phạm Mai Hùng, Hội Khoa học Lịch sử học Việt Nam phát biểu: “Cho đến thời điểm này chúng ta chưa có đầy đủ tư liệu về nhân chủng học nhận diện Hùng Vương như thế nào”. Các đại biểu khác cũng nói Vua Hùng là một nhân vật huyền sử, cách đây hàng nghìn năm, không có tư liệu lịch sử bằng hình ảnh, ngay cả việc tìm hiểu để đưa ra một chứng cứ nhằm khẳng định trang phục của thời Hùng Vương cũng đã vô cùng khó khăn đối với các nhà khảo cổ, nhà sử học Việt Nam.
Thế nên, ngay cả với hai mẫu tượng được lựa chọn từ cuộc thi cũng giống như các mẫu tượng đã xây dựng về Vua Hùng hiện nay ở một điểm, là đều được làm theo lối mô phỏng bằng trí tưởng tượng.
Trong khi, chưa có mẫu tượng Quốc tổ Hùng Vương được lựa chọn thì nhiều địa phương đua nhau dựng tượng Hùng Vương. Tiêu chí địa phương được dựng tượng của các đại biểu trong hội thảo là “địa phương có vị trí địa lý đặc biệt” không thể ngăn cản nổi địa phương nào nếu họ có nhu cầu. Thống kê hiện tại, trên cả nước có tới 1.417 đền thờ Vua Hùng. Vậy thì thật khủng khiếp nếu ở đâu cũng dựng tượng Hùng Vương.
Một số mẫu tượng Hùng Vương đã được dựng ở những nơi thu hút khách du lịch như: Tượng Hùng Vương ở Công viên văn hóa Đồng Xanh nằm trong đền thờ Vua Hùng ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai làm bằng gỗ mít nguyên khối nặng 6,5 tấn sơn thếp vàng bên ngoài. Phía trước sân thờ là 18 vị Vua Hùng mỗi tượng cao hơn 3m chưa kể bệ. Tượng Vua Hùng ở Suối Tiên (TP HCM) hoàn thành năm 2002, được đặt trong không gian mở (nửa ngoài trời, nửa trong nhà), sơn son thiếp vàng, đội mũ lông chim... nhưng diễn tả theo lối phạt mảng, tạo khối cách điệu. Và tại khu Đền tưởng niệm các Vua Hùng ở phường Long Bình, quận 9 TP HCM, một khu di tích lớn nhất vùng Nam Bộ với diện tích hơn 400 ha sẽ được dựng mẫu tượng nào trong tương lai?
Nếu các mẫu tượng Quốc tổ Hùng Vương đến nay chưa đạt, có lẽ ngành văn hóa nên tính đến chuyện mở cuộc thi với quy mô lớn hơn, thời gian dài hơn. Hội đồng chấm thi sơ khảo và chung khảo mời được những chuyên gia giỏi nghề, am tường văn hóa. Có lẽ khi đó mẫu tượng sẽ đáp ứng được thẩm mỹ và tín ngưỡng của số đông.
Và trong khi chờ đợi, có lẽ ngành văn hóa nên trình Chính phủ có quy định tạm dừng chưa cho phép dựng tượng đài Hùng Vương. Vì nếu không, nhiều làng nghề, ví như làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) có thể sản xuất ra rất nhiều Vua Hùng đáp ứng nhu cầu của nhiều di tích và địa phương. Lúc đó, diện mạo Hùng Vương thật hỗn loạn.