Chất lượng của đại biểu Quốc hội cũng chính là chất lượng của Quốc hội. Trao đổi với ĐĐK, bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chúng ta không có quy chế quy định nên khó xác định đại biểu nào đóng góp nhiều, đại biểu nào đóng góp ít. Chúng ta chỉ quy định đại biểu chuyên trách thì phải dành 100% thời gian cho hoạt động Quốc hội, còn đại biểu kiêm nhiệm thì dành 1/3 thời gian. Quy định là như vậy song đại biểu có dành 1/3 thời gian cho hoạt độ
Bà Nguyễn Thị Khá.
PV:Thưa bà, chất lượng của Quốc hội chính là từ chất lượng của các đại biểu Quốc hội. Bà nhận định như thế nào về chất lượng cũng như đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội của khóa XIII?
Bà Nguyễn Thị Khá: Nói chung chất lượng của đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước, tính chuyên nghiệp nhiều hơn và sâu sắc hơn. Tuy nhiên cũng có việc có những đại biểu đi họp cả kỳ nhưng không phát biểu, không đại diện được cho cử tri, chất lượng của đại biểu không đồng đều lắm. Nhưng quan trọng là ta không có quy chế quy định nên khó xác định đại biểu nào đóng góp nhiều? Đại biểu nào đóng góp ít.
Chúng ta chỉ quy định đại biểu chuyên trách thì phải dành 100% thời gian cho hoạt động Quốc hội, còn đại biểu kiêm nhiệm thì dành 1/3 thời gian. Quy định là như vậy song người ta có dành 1/3 thời gian cho hoạt động của Quốc hội hay không thì chúng ta không có gì so sánh, đánh giá, không có gì khen chê; cho nên đánh giá về chất lượng rất khó. Có những đại biểu nhiệt tình trách nhiệm, nhưng cũng có những đại biểu lơ là, song chúng ta cũng chẳng có gì để đánh giá cả.
Bà nghĩ sao khi giám sát của Quốc hội là giám sát tối cao, tuy nhiên trong nhiệm kỳ qua, nhiều vấn đề giám sát xong nhưng việc theo dõi thực hiện giám sát còn chưa đi đến cùng khiến chất lượng giám sát chưa cao?
- Giám sát đã làm tốt nhưng quan trọng là hậu giám sát, vấn đề theo dõi thực hiện kết luận giám sát, kết quả của hậu giám sát thực hiện kết luận giám sát như thế nào thì chưa thực hiện hiệu quả nhiều. Ví dụ như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tôi phân vân trách nhiệm chưa rõ từ cánh đồng cho đến bếp ăn chia ra làm ba, bốn ngành nhưng không rõ ngành nào chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm phụ như thế nào?. Nên mặc dù kiểm tra thường xuyên nhưng quy trách nhiệm cho ai thì chưa rõ.
Hay vấn đề hàng gian, hàng giả cũng vậy, nhiều vấn đề chưa theo đến tận cùng. Mình có theo dõi nhưng sau khi có kết quả khắc phục được như thế nào? Bao lâu mới khắc phục? Đến giai đoạn nào? Có những cái phải khắc phục ngay nhưng có những cái khắc phục phải có quy trình, phải có thời gian. Nhưng vấn đề mình giao cho ai giám sát thì chưa cụ thể.
Chính vì vậy, nhiệm kỳ tới, giám sát, hậu giám sát phải phân công trách nhiệm rõ ràng. Sau khi có kết luận giám sát thì theo quy định phải có thời gian khắc phục.
Nhưng đặc biệt phải có báo cáo kết quả khắc phục được gì? Cái nào chưa khắc phục được? Có như thế chất lượng, kết quả giám sát mới cao, hiệu quả hơn.
Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội có kiến nghị khóa XIV và các khóa tiếp theo tiếp tục tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách lên khoảng 40% tổng số đại biểu Quốc hội để làm nòng cốt trong việc xây dựng luật, hoạt động giám sát và các hoạt động khác. Vậy quan điểm của bà thì sao bởi nếu tăng đại biểu chuyên trách lên thì sẽ giảm bớt ở các cơ cấu khác?
- Nếu được như vậy thì tốt vì đại biểu chuyên trách họ hoạt động chuyên ngành nhiều hơn. Bởi đại biểu kiêm nhiệm họ còn gắn với công việc cơ quan của người ta, dính đến thi đua khen thưởng của ngành cho nên không thể chuyên tâm dành cho Quốc hội được. Vì vậy tôi nghĩ rằng cần tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên. Tôi cho rằng tăng số đại biểu chuyên trách sẽ tăng chất lượng hoạt động của Quốc hội bởi họ chuyên tâm làm công tác cho Quốc hội, không phân tán, và tập trung hơn. Đặc biệt khi chọn đại biểu Quốc hội chuyên trách thì bao giờ cũng chọn người nhiệt tình hơn, tâm huyết hơn.
Thưa bà, 2 nữ đại biểu Quốc hội của khóa XIII vi phạm pháp luật là bài học cần rút ra cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Vậy chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm gì trong việc lựa chọn đại biểu cho khóa tới?
- Chọn đại biểu phải theo những tiêu chí và quy định của Đảng, Nhà nước trong đó, người đại biểu phải là người chấp hành pháp luật. Không để người ta lợi dụng đặc biệt là những người tự ứng cử. Muốn không để người ta lợi dụng thì phải lựa chọn cá nhân, người đại diện cho đơn vị, công ty chấp hành tốt, không vi phạm pháp luật để hạn chế tình trạng dùng đồng tiền để mua chuộc.
Là một đại biểu chuyên trách, vậy bà mong muốn và kỳ vọng gì ở lần bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV sắp tới?
- Tôi mong muốn rằng đại biểu Quốc hội khóa tới dù chúng ta có cơ cấu thành phần, các tổ chức để mang tính đa dạng, song cơ cấu không nặng quá mà bỏ qua chất lượng. Cơ cấu phải đi theo, đồng bộ với chất lượng thì hiệu quả mới cao. Nếu chúng ta nặng cơ cấu quá mà xem nhẹ chất lượng thì không thể nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội được.
Trân trọng cảm ơn bà!