Dịp cận Tết, giá cả thực phẩm có những biến động trái chiều. Trong khi giá rau xanh tăng nhanh chóng, giá nhiều thực phẩm khác ít biến động.
Theo Vietnamplus, tại một số chợ dân sinh như chợ Hôm - Đức Viên, chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), chợ Ngô Sỹ Liên (quận Đống Đa), chợ Thành Công (quận Ba Đình)... giá cảrau xanh đang tăng “nóng” kể từ đầu tháng 12.
Cụ thể, tăng mạnh nhất là rau xà lách, rau thơm với sự tăng “đột biến” từ 35.000 đồng/kg lên khoảng 70.000 đồng/kg. Theo sau đó, các loại rau khác như hành lá, rau mùi từ 60.000 đồng lên 90.000 đồng/kg, tăng 30%; các loại rau cải xanh, cải ngọt từ 15.000 đồng lên mức 20.000 đồng/kg; rau ngót từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/mớ; rau muống tăng 20%, từ 10.000 đồng/mớ lên 15.000 - 20.000 đồng/mớ tùy kích cỡ; cà chua tăng từ 25.000 đồng lên 30.000 đồng/kg; các loại bầu,bí, mướp tăng khoảng 20%...
Các tiểu thương cho biết nguyên nhân khiến giá rau tăng là do thời tiết rét đậm khiến sâu bệnh sinh sôi làm rau hỏng. Bên cạnh đó, thời gian thu hoạch vụ rau kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá rau xanh tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Trái ngược với diễn biến tăng rau xanh, nhiều mặt hàng thực phẩm khác bao gồm gia súc, gia cầm… lại đang chững giá và ít biến động.
Đơn cử, mặt hàng thịt lợn vẫn đang dao động từ 90.000 - 140.000 đồng/kg, nguyên giá so với cùng kỳ tháng trước; thịt bò ta dao động từ 220.000 - 400.000/kg. Thịt gia cầm gà, vịt chưa chế biến dao động từ 90.000 - 95.000 đồng/kg; trứng gà vịt từ 26.000 - 28.000 đồng/chục…
Một số hàng hóa, thực phẩm khô như tôm, mực, cá khô tăng nhẹ 5%; mỳ tôm, miến, phở... tăng khoảng 5 - 7%/thùng... các mặt hàng trên đều có sản lượng nguồn cung khá dồi dào.
Trao đổi với Báo Tuổi Trẻ, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM - cho biết về cơ bản nhiều nhóm hàng thiết yếu như thịt, trứng, thực phẩm chế biến, bánh kẹo được doanh nghiệp trong hội cam kết giữ giá ổn định thời điểm cuối và đầu năm sau, trong đó dù chịu áp lực với giá đường tăng nhưng giá bán nhiều sản phẩm bánh kẹo của Kido và Bibica sẽ không tăng. Một số mặt hàng như thịt, trứng sẽ tăng khuyến mãi vào giáp Tết.
Đại diện Sở Công Thương TP HCM cho biết đang phối hợp với các ngành tìm giải pháp kìm giá hàng hóa, và thực tế nhiều doanh nghiệp cũng ý thức được việc tăng giá bán vào thời điểm này sẽ có nhiều rủi ro.
"Nhu cầu giảm, sức mua đối với nhiều mặt hàng đang giảm 20 - 30% so với thời điểm trước dịch Covid-19. Do đó, nếu doanh nghiệp không khuyến mãi hoặc tăng giá thì nhiều người tiêu dùng sẽ quay lưng và chọn sản phẩm của công ty có giá tốt hơn, dẫn đến nguy cơ tồn hàng".