Cận Tết, nhiều tuyến đường của Hà Nội xảy ra ùn tắc kéo dài dù không phải giờ cao điểm khiến việc di chuyển của người dân phải chen chúc, chật vật.
Ùn tắc cả giờ không cao điểm
Bởi đây là thời điểm gần Tết Nguyên đán 2025 nên các hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa diễn ra tấp nập. Việc người dân đi mua sắm trước tết cũng dẫn đến mật độ phương tiện tăng cao, gây áp lực lớn cho các tuyến đường ở Hà Nội.
Đáng chú ý, trong thời điểm ùn tắc, người dân vẫn chấp hành nghiêm đèn tín hiệu giao thông, không đi lên vỉa hè, đi ngược chiều.
Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết vào ngày 11-12/1 dù là ngày cuối tuần nhưng tại các tuyến đường như Đại Lộ Thăng Long, trục đường vành đai 3, đường Nguyễn Trãi (đoạn từ đối diện trường Đại học Hà Nội đến lối xuống hầm chui Thanh Xuân), đường Nguyễn Xiển, khu vực Ngã Tư Sở - Trường Chinh - Láng, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Chánh..., tình trạng ùn tắc diễn ra phổ biến.
Chị Nguyễn Minh Hòa (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, những ngày cận Tết, đường phố liên tục xảy ra ùn tắc đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của chị cũng như của nhiều người khác.
"Bình thường từ nhà tôi đi đến cuối đường Láng chỉ mất 10-15 phút, nhưng những ngày cận Tết như hôm nay, phải đi mất 45 phút”, chị Hòa chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: "Những ngày gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội diễn ra khá phổ biến và không kể giờ giấc. Thậm chí giữa buổi chiều ngày cuối tuần như hôm nay đường phố vẫn ken đặc người và xe".
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội trong năm 2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số 33 điểm ùn tắc (gồm 11 điểm phát sinh mới và 22 điểm tồn tại năm 2023).
Hiện Sở GTVT đã phối hợp với Công an thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan thống nhất các phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, phân loại để xử lý các vị trí ùn tắc theo các nhóm nguyên nhân.
Cụ thể: nguyên nhân do rào chắn phục vụ thi công các công trình 13 điểm; Nguyên nhân do chậm triển khai công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch 14 điểm; Đề xuất bổ sung quy hoạch đầu tư xây dựng cơ bản kết cấu hạ tầng giao thông 2 điểm; Nguyên nhân do quá tải lưu lượng phương tiện lên hạ tầng giao thông hiện trạng 4 điểm.
"Trong năm 2024 chúng tôi đã xử lý được 13/33 điểm đen ùn tắc giao thông", ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội chia sẻ.
Bố trí 144 chốt trực chống ùn tắc dịp Tết
Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: "Thời gian tới chúng tôi tiếp tục phối hợp liên ngành giữa Sở GTVT và Công an thành phố để giải quyết công tác tổ chức giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và giảm thiểu ùn tắc giao thông và xử lý các kiến nghị, đề xuất có liên quan. Trong đó tập trung xử lý các điểm ùn tắc giao thông trong năm 2025, điểm đen tai nạn giao thông và điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông".
Bên cạnh đó, theo ông Bảo, Sở GTVT sẽ áp dụng khoa học công nghệ trong công tác nghiên cứu, khảo sát về tình hình giao thông trên một số tuyến đường, nút giao có nguy cơ ùn tắc giao thông để làm cơ sở tham mưu, đề xuất, đưa ra các giải pháp đầu tư hạ tầng giao thông cho phù hợp.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp rà soát các nút cần cải tạo, sửa chữa, điều chỉnh hạ tầng để tổ chức giao thông cho phù hợp.
Lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho hay, để đảm bảo trật tự, chống ùn tắc kéo dài, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân 2025, cơ quan này phối hợp với các cơ quan liên quan bố trí lực lượng chốt trực, phân luồng hướng dẫn, chống ùn tắc giao thông tại các điểm, nút giao thông tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm; tại các bến xe khách liên tỉnh và khu vực thi công các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố.
"Thanh tra Sở GTVT yêu cầu các Đội Thanh tra giao thông địa bàn, nghiệp vụ tiếp tục bố trí lực lượng phối hợp phân luồng chống ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại 144 vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm", lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT Hà Nội thông tin.
Cụ thể: có 99 vị trí "chốt" Thanh tra giao thông phối hợp với phòng CSGT thực hiện; 45 vị trí phối hợp với công an quận, huyện thực hiện. Thời gian duy trì các vị trí chốt trực này từ tháng 11/2024 đến hết quý I/2025.
Ở các quận trung tâm, "chốt" trực liên ngành được bố trí tại khu vực đang có nhiều tuyến đường, điểm ùn tắc thường xuyên xảy ra.
Quận Ba Đình có 8 vị trí chốt trực, trong đó có các nút giao thông lớn: Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Học - Chu Văn An, Điện Biên Phủ - Hoàng Diệu, Đào Tấn - Liễu Giai; quận Hoàn Kiếm có 5 vị trí, trong đó có các nút giao: Nam cầu Chương Dương, Lý Thường Kiệt - Dã Tượng, Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng;
Quận Hai Bà Trưng có 5 vị trí, trong đó có: Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân, Lê Duẩn - Khâm Thiên - Nguyễn Thượng Hiền, Lê Duẩn - Trần Nhân Tông, Đại Cồ Việt - Phố Huế;
Quận Đống Đa có 14 vị trí, trong đó có: Ngã Tư Sở, Tây Sơn - Thái Thịnh, Láng - Láng Hạ, Láng - Nguyễn Chí Thanh; quận Hoàng Mai có 13 vị trí, trong đó có: Pháp Vân - Giải Phóng, Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng, Nghiêm Xuân Yêm (Vành đai 3) - Nguyễn Hữu Thọ, Ngã 5 Giáp Bát - Kim Đồng;
Quận Cầu Giấy có 9 vị trí, trong đó có: Hồ Tùng Mậu - Phạm Hùng - Xuân Thuỷ, Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt, Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám…