Tự chế pháo nổ không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn mối nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe và tình hình an ninh trật tự xã hội. Đáng tiếc là những hành vi này vẫn liên tục xảy ra vào thời điểm cận Tết, đặc biệt đối tượng vi phạm thường là học sinh, sinh viên.
Học làm pháo trên mạng bán lấy tiền
Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, cứ đến dịp gần Tết Nguyên đán, tình trạng mua bán pháo nổ lại diễn ra phức tạp. Đáng chú ý, có cả trường hợp học sinh rủ nhau học cách làm pháo tự chế qua mạng để bán kiếm tiền tiêu Tết.
Cách đây ít ngày, Công an xã Nghĩa Thọ (Nghĩa Đàn, Nghệ An) vừa phát hiện 2 học sinh lớp 8 Trường THCS Phú Thọ có hành vi sản xuất pháo nổ.
Kiểm tra nơi ở của hai em học sinh này, công an thu giữ 8 kg nguyên liệu để làm pháo gồm: pháo quấn bằng giấy vở học sinh, bột lưu huỳnh, dây cháy chậm, bột than đá, chất KCL, túi gói thực phẩm và 7 quả pháo đã thành phẩm.
Hai học sinh này cho biết, các em đã mua những nguyên liệu trên qua mạng rồi theo hướng dẫn để chế pháo nổ và đã nổ thành công 4 quả trước khi bị công an phát hiện. Công an xã Nghĩa Thọ đã tịch thu toàn bộ các tang vật trên và làm việc với 2 em cùng cha mẹ và nhà trường để xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Cùng thời điểm, Đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP Thái Nguyên) cũng phát hiện một nhóm 3 học sinh chế tạo, buôn bán pháo tự chế. Các em đều 14 tuổi, trú tại xã Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ), có hành vi buôn bán hàng cấm là pháo tự chế. Tổ công tác đã tịch thu tang vật gồm 216 quả pháo tự chế, có khối lượng 18,5 kg.
Qua quá trình xác minh mở rộng, lực lượng Công an đã làm rõ P.V.Q. 15 tuổi, là học sinh, cũng trú tại xã Nam Hòa, cùng tham gia chế tạo, buôn bán số pháo tự chế nói trên và thu giữ thêm 91 vỏ quả pháo cùng các nguyên liệu, vật dụng chế tạo pháo. Hiện, vụ việc đang tiếp tục được xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2022, Công an xã Lộc Quang (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) đã lập hồ sơ xử lý vụ tự chế tạo và sử dụng pháo nổ trái phép. Vụ việc được phát hiện tại ấp Việt Quang, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh. Trong lúc tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn xã, tổ tuần tra Công an xã Lộc Quang phát hiện em T.P.C. (13 tuổi, học sinh Trường THCS Lộc Quan) đang đốt pháo nổ trái phép.
Tổ tuần tra đã đưa C. về trụ sở Công an xã Lộc Quang làm việc. Tại đây, C. đã thừa nhận việc đốt pháo nổ, đồng thời giao nộp thêm 18 viên pháo hình trụ (dạng pháo tự chế) chưa sử dụng. Em C. khai mua số pháo trên từ Đ.T.L. (13 tuổi, là bạn học cùng lớp với C.). Công an xã Lộc Quang đã phối hợp với Trường THCS Lộc Quang, huyện Lộc Ninh mời L. lên làm việc khai nhận, tháng 4/2022 lên mạng xã hội xem và học cách chế tạo pháo nổ. Sau đó, L. lên trang bán hàng điện tử mua hóa chất, dây cháy chậm và ống giấy dùng làm thân pháo.
Mua được vật liệu, L. tự chế tạo thành các viên pháo nổ và bán cho các bạn học sinh cùng trường. Tổng cộng L. đã tự chế được 60 viên pháo, bán được 37 viên, với giá 5.000đ/viên pháo nhỏ và 6.000đ/viên pháo lớn. Riêng L. đã đốt 13 viên pháo nổ, giao nộp lại cho Công an xã 10 viên.
Hậu quả khôn lường từ pháo tự chế
Việc học sinh mua vật liệu về tự chế tạo pháo nổ không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn rất nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng và an ninh trật tự xã hội.
Có thể thấy, một trong số những nguyên nhân của những vụ làm và buôn bán pháo tự chế cũng bắt nguồn từ các video clip dạy làm pháo trên mạng.
Dạo một vòng trên kênh Youtube, người xem không khó để tìm kiếm một video hướng dẫn cách làm pháo tự chế. Trên thanh công cụ tìm kiếm, chỉ cần gõ từ khóa “cách làm pháo tự chế”, ngay lập tức xuất hiện hàng loạt các clip dạy cách làm pháo từ pháo hoa không nổ, pháo hoa nổ tới pháo diêm tự chế, pháo cối đơn giản ai cũng làm được…
Ghi nhận cho thấy, các clip chia sẻ cách thức làm thuốc nổ pháo đến cách làm pháo dù mới đăng tải cách đây khoảng 2-3 tuần nhưng thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Đáng nói là, hầu hết các clip này đều không gắn nhãn giới hạn độ tuổi.
Dù đã được cảnh báo nhiều, nhưng các vụ việc, tai nạn liên quan tới pháo tự chế vẫn liên tục gia tăng, để lại nhiều hậu quả khôn lường, đặc biệt vào thời điểm cận Tết. Đáng nói, người bị tai nạn thường là học sinh, sinh viên-độ tuổi hiếu kỳ, thích tìm tòi, khám phá nhưng lại thiếu hiểu biết, thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình và xã hội.
Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đang tới gần. Đây là thời điểm tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ có nguy cơ gia tăng và diễn biến phức tạp hơn.
Trước tình hình này, mới đây, Sở GDĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo, các trường học trực thuộc yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ trong các cơ sở giáo dục.
Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định liên quan; thường xuyên phối hợp với lực lượng công an trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về lĩnh vực này.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nghiêm cấm cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia vào các hoạt động sử dụng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ trái quy định của pháp luật.
Đồng thời, đề nghị các cá nhân tích cực hưởng ứng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, tuyên truyền vận động người dân giao nộp, thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ cho cơ quan chức năng thực hiện quản lý, tiêu hủy theo chức năng nhiệm vụ.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…, đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
Còn hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Hai hành vi vi phạm này đều sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị truy tố về các tội khác như: Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190 Bộ luật hình sự) với mức phạt tù từ 1 đến 5 năm, cao nhất là 15 năm hoặc Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 305 Bộ luật hình sự) với mức phạt tù từ 1 đến 5 năm, cao nhất là tù chung thân nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.