Đó là ý kiến của Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, giáo dục), cần thay đổi cách nhìn về lựa chọn, trọng dụng người tài trong khu vực nhà nước.
Trước thực tế vừa qua có những địa phương trong nhiều năm liền chưa có trường hợp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được tuyển dụng để đào tạo nguồn cán bộ, GS Đào Trọng Thi cho rằng gọi là chính sách thu hút nhưng yêu cầu đặt ra là rất cao. Do đó, số lượng người đáp ứng được yêu cầu cũng không phải là nhiều. Chưa kể, những công việc mà các địa phương mời các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc để về làm việc chưa đủ hấp dẫn. Bởi thứ nhất công việc hành chính là thiếu tính hấp dẫn. Thứ hai lương ở khu vực công thấp hơn khu vực tư. Do đó, chỉ hấp dẫn đối với người có năng lực bình thường, còn các em giỏi lại thấy khu vực hành chính nhà nước không phải môi trường làm việc hấp dẫn nên không mặn mà.
Theo ông Thi, những người tài năng có điều kiện để tìm kiếm những việc làm tốt với chế độ tiền lương cao, môi trường làm việc được cất nhắc, bổ nhiệm, trọng dụng. Còn trong khối nhà nước thì dù có giỏi nhưng mức lương phải theo quy định ngạch bậc, không thể nào cao hơn được. Đơn cử lương của sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, loại giỏi cũng không thể nào cao hơn bộ trưởng. Trong khi lương của bộ trưởng hiện nay cũng ở mức 18 triệu đồng/tháng.
“Chúng ta cần người giỏi nhưng chưa mời vào được những chỗ cần. Ví như với năng lực của họ phải vào các viện, trường đại học, tạo điều kiện để họ nghiên cứu sáng tạo để có thể đưa ra các sản phẩm tốt ứng dụng được trong đời sống xã hội. Còn trong cơ quan hành chính thì lại không hợp với chuyên môn của họ. Chưa kể, không thể nào lương của thủ trưởng lại kém hơn lương nhân viên. Vì vậy theo tôi nên mời họ về các vị trí quan trọng thì họ mới quan tâm. Bởi ở trong khu vực nhà nước muốn lương cao thì chức vụ phải cao. Cho nên có thể nghiên cứu những vị trí việc làm cần người tài và trả lương cao cho họ chứ không cần giữ chức vụ. Tôi nói ví dụ lương của cầu thủ bóng đá Messi rất cao nhưng không cần giữ chức gì trong đội bóng, kể cả là đội trưởng. Tức là chúng ta cần tìm được vị trí việc làm giỏi về chuyên môn và trả lương cao xứng đáng cho người tài. Như ở những hệ thống sản xuất, vị trí của người giỏi có thể lương cao hơn người phụ trách. Phải có những vị trí sử dụng như vậy thì mới phù hợp với người tài” - ông Thi nói và cho rằng dù chúng ta có thu hút người tài nhưng với cơ chế này thì người mới vào lúc đầu cũng chỉ làm việc “nhẹ nhàng”, chứ chưa được giao ngay những việc quan trọng, phải mất thời gian “điếu đóm” vài năm.
“Chúng ta cần tiệm cận đúng với khái niệm trọng dụng người tài. Người tài cần được trọng dụng và môi trường để phát huy khả năng của mình. Từ đó có chế độ đãi ngộ tốt. Nếu không thay đổi suy nghĩ này thì mọi thứ đưa ra nghe rất hay nhưng chỉ là hình thức. Cần tạo điều kiện cho người ta làm việc, phát huy tài năng của họ trên cơ sở hưởng đãi ngộ xứng đáng. Cần thay đổi cách nghĩ, cách làm là nếu không có chức vụ thì không có chế độ đãi ngộ tốt. Ngay trong khoa học phải đặt đề cao yếu tố chuyên môn thì lại vẫn có tình trạng “chạy” theo chức vụ vì không có chức vụ thì không được hưởng chế độ cao. Cho nên cần thay đổi cách nhìn về lựa chọn trọng dụng người tài trong khu vực nhà nước. Bởi họ phải chạy theo chức vụ để được hưởng chế độ cao nên mới có việc có chức vụ nhưng chưa chắc đã tài vì chức vụ là do “chạy” mà có. Từ đó làm cho mục tiêu phấn đấu của con người trở nên lệch lạc” - ông Thi nói.