Cần thay đổi tư duy tìm việc

Thủy Anh (thực hiện) 12/09/2016 11:05

Hiện Việt Nam vẫn có số lượng lớn lao động là thanh niên sống tại thành thị bị thất nghiệp. Thêm vào đó lượng cử nhân có chuyên môn kĩ thuật từ ĐH trở lên thất nghiệp cũng không có dấu hiệu giảm.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu.

Lí giải điều này, bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm HN chia sẻ: Nguyên nhân chính do người lao động có mong muốn cao quá, cần thay đổi tư tưởng để có thể tìm kiếm được cơ hội việc làm.

PV: Số liệu cập nhật thị trường mới nhất của Bộ LĐ,TB&XH cho biết, lượng thanh niên ở thành thị thất nghiệp rất nhiều, trong khi đó là nơi có rất nhiều cơ hội. Theo bà đâu là lí do, và làm sao giảm được tỉ lệ này?

Bà Vũ Thị Thanh Liễu: Chỉ tiêu mỗi phiên giao dịch việc làm của chúng tôi luôn lớn, một phiên giao dịch tối thiểu 300 chỉ tiêu tuyển dụng, có khi tới hớn 1 nghìn chỉ tiêu. Nhưng nhiều khi người lao động không thấy hấp dẫn, từ chối công việc mà chúng tôi giới thiệu. Người lao động cứ nghĩ rằng mình có bằng CĐ, ĐH mà làm những công việc vất vả thì không đáng. Nghĩa là môi trường làm việc không đáp ứng được với yêu cầu, nguyện vọng mà người lao động hình dung.

Để giảm bớt tỉ lệ thất nghiệp, quan trọng là phía người lao động cần giảm mong muốn của mình xuống, như mức lương… Chúng ta cần hiểu, đi làm không phải bất kỳ ai cũng được làm trong môi trường điều hòa, làm giờ hành chính, nhàn hạ. Người lao động phải xác định, với công việc như vậy, bản thân người chủ cũng rất vất vả. Thế nên về phía người lao động, người nào chấp nhận công việc ban đầu khá vất vả mà mình nên làm, hoặc mức lương chưa như mong muốn thì dần cũng sẽ ổn định. Vì bao giờ cũng có thời gian thử việc. Nếu người lao động chứng tỏ được mình là người làm được việc thì doanh nghiệp cũng sẵn sàng trả mức lương cao hơn, và mức lương sẽ tăng dần.

Còn với hơn 191 nghìn cử nhân từ ĐH trở lên thất nghiệp, theo cá nhân bà, làm sao có thể giảm bớt?

- Để giải bài toán này không hề đơn giản. Thứ nhất vẫn là thay đổi tư tưởng một chút, đặc biệt là những bạn đã lỡ học những chuyên ngành đào tạo mà xã hội không cần, hoặc một số các bạn chưa thể tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo. Bởi thực tế có rất nhiều bạn trẻ, và nhiều bậc phụ huynh luôn mong muốn con mình phải được học ĐH, có được một tấm bằng ĐH để thấy ai hỏi còn khoe con mình đã tốt nghiệp ĐH, đã tốt nghiệp trường này trường kia.

Tuy nhiên ngành nghề mà con họ đã học lại không phải ngành mà nhu cầu xã hội đang cần. Như vậy đương nhiên sẽ không tìm được việc đúng chuyên ngành... Với những trường hợp này, các bạn có thể làm những việc trái ngành, trái nghề mà năng lực của các bạn có thể đáp ứng được. Còn nếu không các bạn có thể vừa học vừa làm để nâng cao trình độ lên, hoặc xem những cầu thực tế mà xã hội đang cần…

Hiện nay có rất nhiều bạn trình độ ĐH nhưng lại đăng ký học thêm trường nghề, hoặc các bạn học ĐH xong quay lại đăng ký học trường nghề. Tôi thấy cũng chẳng sao, ngược lại còn rất hay. Bởi hiện chuyên môn đào tạo trung cấp nghề, công nhân kĩ thuật có tuyển dụng nhiều.

Bạn nhanh chóng đăng ký học thêm ngành nghề nào đó thì ngoài bằng ĐH lại có thêm một ngành nghề khác trong tay thì sẽ nhanh chóng tìm được việc làm. Bởi ĐH mà không phải ngành người ta cần người ta cũng không tuyển, vì còn phụ thuộc vào mức lương.

Nhiều bạn trẻ chấp nhận làm trái ngành nhưng doanh nghiệp họ có 2 ứng cử viên 1 lúc, 1 bằng ĐH và 1 lao động phổ thông, mà hai ứng cử viên này chỉ cần công việc của lao động phổ thông thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ chỉ nhận lao động phổ thông, để tránh việc nhận lao động ĐH nhưng trả mức lương phổ thông thì sẽ vi phạm luật.

Cũng tránh tình trạng mới đầu người lao động chưa tìm được việc thì vào đơn vị làm, nhưng sau một thời gian thấy mức lương không được như bằng cấp thì kiện cáo đòi tăng lương, hoặc là nhanh chóng đi tìm việc khác… gây phiền toái.

Vậy theo bà, làm cách nào để doanh nghiệp và người lao động có thể kết nối được với nhau, hiểu nhau hơn?

- Là đơn vị trung gian, với doanh nghiệp chúng tôi cũng tư vấn ngược lại rất nhiều về yêu cầu, mong muốn của người lao động. Thứ nhất đáp ứng được mức lương tối thiểu do nhà nước quy định, ngoài ra đòi hỏi lao động “vừa phải” thôi, ví dụ công việc không cần đến ngoại ngữ thì cũng đừng bắt thêm tiêu chí ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nào cũng yêu cầu người lao động có kinh nghiệm, cần có kinh nghiệm mà lại không nhận sinh viên mới ra trường thì hỏi khi nào các bạn mới có được kinh nghiệm?

Thế nên là người đứng giữa chúng tôi cũng đã cố gắng dung hòa, vừa người lao động vừa doanh nghiệp. Nếu một bên cứ đòi hỏi thế này, một bên đòi hỏi thế kia thì kết quả sẽ chẳng bao giờ gặp nhau, doanh nghiệp không tuyển được và người lao động thì cứ thất nghiệp.

Qua nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, bà đánh giá trong thời gian tới những ngành nghề nào sẽ thu hút nhiều lao động?

- Qua nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tham gia các phiên giao dịch việc làm gần đây, những ngành về Dịch vụ thương mại vẫn chiếm phần đông nhất. Những ngành về nhà hàng khách sạn cũng tuyển rất nhiều, đặc biệt là những nghề không cần đến trình độ ĐH như nhân viên bếp, bếp chính, bếp phụ, bàn bar... Bên cạnh đó là những ngành nghề về CNTT hay Điện tử, điện lạnh… luôn luôn cần trong xu thế phát triển.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần thay đổi tư duy tìm việc