Ngay trước thềm chuyến công du tới Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Phòng Thương mại Mỹ (USCC) ra thông cáo nêu rõ tầm quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực có tính chiến lược với an ninh quốc gia và thương mại Hoa Kỳ.
Thông cáo của USCC nhận định: Đây là vùng sở hữu 3 nền kinh tế lớn nhất, cũng như ba trong 4 quốc gia đông dân nhất thế giới.
Về cơ bản, quy mô khu vực, tốc độ phát triển và nền tảng người tiêu dùng đưa APEC trở thành ưu tiên trong chính sách kinh tế quốc tế của Washington.
Cũng trong thông cáo này, USCC cho biết: "APEC năm nay là dịp đặc biệt quan trọng. Phái đoàn thương mại Hoa Kỳ, gồm 75 công ty và 200 đại diện, thể hiện cam kết mạnh mẽ của các tập đoàn Hoa Kỳ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và APEC. Doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tiếp tục coi diễn đàn này là tổ chức khu vực có giá trị, cũng là cầu nối đặc biệt giữa các lãnh đạo khu vực công và tư nhân trên khắp châu Á - Thái Bình Dương".
Vì vậy, USCC khẳng định chuyến công du châu Á mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thực hiện cho thấy cam kết của Washington với khu vực quan trọng này.
Chuyến thăm hoàn tất các nỗ lực ngoại giao của Phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence cùng nhiều bộ trưởng trong chính quyền Trump, cũng như tiếp nối, phát huy sự gắn kết giữa các Tổng thống Hoa Kỳ tiềm nhiệm với diễn đàn APEC.
Trả lời báo chí bên lề kỳ họp APEC CEO Summit, ông Michael Sailer- tổng giám đốc Thyssenkrupp Industrial Solutions Việt Nam nêu quan điểm: Toàn cầu hóa không chỉ là một xu hướng, nó còn là điều cần thiết hiện nay. Cho rằng, chúng ta cần có nhiều hiệp định thương mại hơn, không phải song phương, mà là giữa nhiều quốc gia.
Tổng giám đốc Thyssenkrupp Industrial đánh giá: Việt Nam đã có bước đi thông minh khi đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do; mà hiệp định sắp hoàn tất với Đức là một ví dụ. Và, “việc này giúp các bạn có thêm sức mạnh.
Thay vì chỉ dựa vào một hiệp định, các bạn có nhiều thỏa thuận, nhiều đối tác thương mại, nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tôi cho rằng châu Âu nói chung và Đức nói riêng cũng rất quan tâm đến việc này và muốn giúp Việt Nam phát triển”
Cũng khẳng định, toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, CEO của Gasco (Australia) Nicholas Grzegorczyn cho rằng, công nghệ sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn. Quan trọng là chỉ cần chú trọng vào đào tạo kỹ năng. “Việt Nam không nên lo lắng, vì hiện giờ người Việt đã nâng kiến thức kỹ năng lên nhiều, như tiếng Anh tốt hơn chẳng hạn.”
Phát biểu tại APEC CEO Summit, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đã nhấn mạnh việc APEC cần tạo ra khu vực đầu tư và thương mại tự do hơn.
Tổng thống Duterte đề nghị: “Tại Đà Nẵng, Việt Nam lần này, chúng ta hãy nói về Tầm nhìn tới năm 2020 và sau đó của APEC. Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy thương mại hóa xuyên biên giới cũng như phát triển các hệ thống thương mại điện tử để sáp nhập hàng hóa từ các thị trường khác nhau.
Chúng ta cũng cần tạo một thị trường rộng mở hơn mà ở đó các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa được hưởng lợi và phát triển từ kinh tế bao trùm.
APEC có vai trò quan trọng trong thúc đẩy liên kết cho khu vực và liên khu vực, cần chính sách tiếp cận và hội nhập mạnh hơn, tạo khu vực đầu tư và thương mại tự do hơn.
Chúng ta phải luôn hướng tới tương lai. Diễn đàn này chỉ mang tính thời sự nếu bảo đảm sự thịnh vượng chung và mọi người được hưởng lợi.
APEC cũng cần làm sao để việc tự do hóa thương mại không chỉ kéo dài cho các thế hệ con cháu mai sau, mà còn đi đôi với bảo vệ môi trường”.