Cần thiết ban hành Luật Đường bộ

H.Vũ 14/07/2023 07:44

Ngày 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ. Các đại biểu cơ bản tán thành tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành luật.

Tại phiên họp, trình bày tờ trình dự án Luật Đường bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, qua 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ. Tuy nhiên cạnh đó cũng đã bộc lộ một số vướng mắc. Do đó, cần tiến hành sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là các quy định về cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đường bộ, ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ. Về các ý kiến liên quan đến việc tách Luật Giao thông đường bộ thành dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh cơ bản tán thành với các nội dung tiếp thu, giải trình của Chính phủ và thấy rằng việc xây dựng 2 dự án luật đã được thảo luận, cân nhắc, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước ta và thông lệ quốc tế. Đồng thời thể chế hóa Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới. Với hai Luật được ban hành sẽ khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành.

Về các ý kiến liên quan đến thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và đã được quy định tại khoản 6 Điều 42 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh cơ bản tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật và cho rằng có một số nội dung giao thoa cần được quy định trong cả 2 dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo quy định của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số quy định cụ thể về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ phù hợp với xu hướng phát triển giao thông thông minh, phương tiện đa tính năng.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có liên quan mật thiết đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các dự án luật này cũng liên quan đến nhiều trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương. “Hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, riêng đường bộ và an toàn giao thông đường bộ liên quan tới hai đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế và hạ tầng giao thông là hạ tầng thiết yếu quan trọng của hạ tầng kinh tế - xã hội” - ông Phương nhấn mạnh.

Qua 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ. Tuy nhiên cạnh đó cũng đã bộc lộ một số vướng mắc. Do đó, cần tiến hành sửa đổi, bổ sung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần thiết ban hành Luật Đường bộ