Cần Thơ - Bừng sáng những con hẻm

Bài và ảnh: Lê Quốc Khánh 13/02/2016 10:16

Vài năm trở lại đây, Cần Thơ đã biết thế nào là kẹt xe. Tình cờ trong một lần kẹt xe trên đường 3-2 (quận Ninh Kiều), tôi theo dòng xe gắn máy chạy luồng vào con hẻm và thoát được dòng xe kẹt sang đường 30-4, hết sức ngỡ ngàng vì con hẻm năm nào mà tôi từng biết chỉ đủ cho một chiếc xe gắn máy chạy một chiều, thế mà nay lại rộng thênh thang đến mức xe tải nhỏ có thể lưu thông dễ dàng.

Một góc Bến Ninh Kiều.

Hai dự án một mục tiêu

Hiện nay, ở thành phố Cần Thơ có 2 dự án nâng cấp đô thị (NCĐT) được Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ với mục đích hướng tới xóa bỏ tình trạng ngập nghẹt, ô nhiễm tại các khu đô thị, giúp cải thiện đời sống, nâng cao điều kiện vệ sinh môi trường của người dân ở các phường thuộc các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn,… Trong qúa trình thi công các công trình, có lúc người dân cảm thấy bực bội khi thì bị đào đường chắn ngang, khi thì bị tạm thời bít lối đi phải đi vòng hướng khác, khi thì bị những lô cốt gây cản trở đi lại,….

Ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Ban Quản lý Dự án NCĐT TP Cần Thơ, cho biết: Năm 2004, cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, tỉnh Nam Định, thành phố Cần Thơ được WB tài trợ dự án NCĐT tổng mức đầu tư theo hiệp định là 69.052.686 USD. Sau 10 năm thực hiện, hơn 600.000 cư dân thành phố được hưởng lợi từ dự án trong đó 245 tuyến hẻm của 34 khu dân cư thu nhập thấp được nâng cấp; hình thành một khu tái định cư ngay trong nội ô quận Ninh Kiều diện tích 16,7 ha sắp xếp cho 1.640 hộ có nơi ở với hạ tầng tốt hơn, ổn định cuộc sống do bị giải tỏa trắng; xây dựng, nâng cấp 22 trường học và trạm xá.

Trong quá trình mở rộng, nâng cấp các con hẻm, có hơn 2.100 hộ được vay vốn cải tạo, xây dựng nhà mới làm cho đô thị thêm khang trang, sạch đẹp. Hàng loạt các hồ, kênh rạch từng là điểm đen về môi trường của thành phố như: Hồ Xáng Thổi; Rạch Cái Khê; Rạch Tham Tướng, Rạch Bần; rạch Cầu Chùa, Rạch Cầu Kinh,… nay được cải tạo đem lại cảnh quan tươi đẹp, làm thay đổi cuộc sống của người dân.

Những con hẻm sau khi được lên đời giúp người dân lên hương.

Thật vậy, những con hẻm lầy lội, ánh đèn tù mù năm nào nay đã bừng sáng, thoáng đãng. Giá trị những căn nhà trong hẻm sâu nay bỗng trở nên có giá trị, Môi trường được cải tạo. Trong qúa trình quản lý điều hành, Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị thành phố Cần Thơ đã quản lý tốt nguồn vốn, tiết kiệm và kết dư hơn 1,6 triệu USD qua đó được sự đồng ý của WB đã đầu tư chống ngập nhiều tuyến đường ngoài dự án như: Đại lộ Hòa Bình, Lý Tự Trọng, Phan Văn Trị, công viên Lưu Hữu Phước, lắp đặt 118 van ngăn triều, xây mới 5 trạm y tế, 10 trường mẫu giáo/nhà trẻ, trường cấp tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 5.216 học sinh đến trường,...

Đến năm 2012, WB tiếp tục đầu tư Dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL thuộc chương trình xây dựng chiến lược nâng cấp đô thị quốc gia và kế hoạch đầu tư tổng thể nâng cấp đô thị Việt Nam đến 2020 với tổng số vốn trên 392 triệu USD. Dự án được triển khai trên 6 thành phố là Cần Thơ, Cao Lãnh, Cà Mau, Mỹ Tho, Rạch Giá, Trà Vinh. Dự án NCĐT vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP Cần Thơ được người dân quen gọi với tên: Dư án 2, tổng mức đầu tư 90,4 triệu USD tương đương 1.850 tỉ đồng trong đó vốn ODA là 69,95 triệu USD và vối đối ứng phía Việt Nam là 20,45 triệu USD gồm 4 hợp phần bao gồm: Hợp phần 1 nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 3 trong các khu thu nhập thấp bao gồm việc đầu tư cải tạo, nâng cấp giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng và thiết bị vệ sinh môi trường cho 31 khu LIA tại 4 quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Ô Môn. Hợp phần 2, hỗ trợ hạ tầng cấp 1, 2, bao gồm các hạng mục đầu tư: Đường ống phân phối nước sạch cho khu LIA 1; cải tạo, nâng cấp 5 tuyến đường chính phường Lê Bình, quận Cái Răng; cải tạo hồ Bún Xáng và các kênh rạch nằm trong lưu vực hồ gồm: cải tạo khu vực hồ Bún Xáng, xây dựng đập tràn, cửa để điều hòa rạch Bún Xáng, cải tạo Rạch Ngỗng; hệ thống thoát nước đường Nguyễn Việt Hồng; cải tạo Rạch Sao; thiết bị quản lý nước thải và vệ sinh môi trường. Hợp phần 3: đầu tư khu tái định cư ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, khoảng 5,5ha với đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, trường học, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa....; Hợp phần 4 thực hiện và quản lý dự án. Sau khi dự án hoàn thành, có hơn 45.000 người hưởng lợi trực tiếp và 479.000 người hưởng lợi gián tiếp. Tổng diện tích các khu vực được đầu tư nâng cấp hơn 494 ha.

Ông Huỳnh Thanh Sử, giám đốc Ban quản lý dự án 2 (ODA) cho biết: Sau gần 3 năm triển khai, tất cả 30 gói thầu của dự án đã được triển khai đảm bảo đúng tiến độ do WB đề ra. Trên cơ sở hiệu qủa của 2 dự án nâng cấp đô thị được triển khai ở thành phố Cần Thơ, mới đây, WB tiếp tục cam kết hỗ trợ cho Cần Thơ dự án hướng đến phát triển đô thị bền vững, tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH giai đoạn 2016-2021 nhằm thúc đẩy Cần Thơ trở thành trung tâm và động lực phát triển kinh tế-xã hội cho vùng ĐBSCL. Dự án cũng giúp giảm sự tổn thương do ngập lụt tại trung tâm thành phố Cần Thơ và cải thiện kết nối giữa trung tâm thành phố và các khu vực mới phát triển.

Dự án có tổng vốn dự kiến 322,5 triệu USD, tương đương 7.255 tỉ đồng; trong đó, vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB) là 250,36 triệu USD; vốn vay khác 250 triệu USD; viện trợ không hoàn lại của Tổ chức Hợp tác kinh tế Thụy Sĩ (SECO) là 10 triệu USD; còn lại là vốn đối ứng của thành phố 62,14 triệu USD. Ngày 6-01-2016, Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt 3 hợp phần của dự án để triển khai từ năm 2016 trogn thời hạn 5 năm.

Đường nối khu hành chính quận Bình Thủy với đường Võ Văn Kiệt tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Cả cộng đồng cùng hưởng lợi

Đến phường An Cư - phường điểm của quận Ninh Kiều gắn xây dựng đời sống văn hóa với thực hiện nếp sống văn minh đô thị khá hiệu quả, qua đó giúp chỉnh trang bộ mặt đô thị với những phong trào tiêu biểu như: Vận động bà con bỏ rác đúng nơi quy định; ngăn chặn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, khắc phục tình trạng treo băng- rôn, bảng quảng cáo trái phép, phát huy vai trò thông tin truyền thông trong công tác thông tin cổ động… An Cư được công nhận là phường văn hóa tiêu biểu.

Ngoài việc thực hiện tốt các phong trào thì hệ thống chính trị của tất cả 6 khu vực đạt trong sạch vững mạnh. Phường phát động nhân dân thực hiện 19 mô hình của phong trào “dân vận khéo”. Từng hộ dân trong khu dân cư được tuyên truyền, học tập về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, tự giác đăng ký cam kết thực hiện, trong đó có 2 mô hình nổi bật là: “Cộng đồng trách nhiệm không xả rác ra đường và nơi công cộng” và “phát huy vai trò thông tin truyền thông trong công tác thông tin cổ động”.

Tiếp xúc với một số hộ dân ở các phường An Cư, An Hội (quận Ninh Kiều); Long Tuyền, Trà An (quận Bình Thủy); Lê Bình, (quận Cái Răng), hỏi bà con về sự hài lòng trong việc hưởng lợi của dự án thì đa số bà con ở các khu dân cư (KDC) rất đồng tình về hiệu qủa của dự án sau khi được nâng cấp. Nhiều hộ nằm trong dự án mở rộng hẻm đã tình nguyện hiến 11.758 m2 đất trị giá tương đương 70 tỉ đồng và góp trên 4 tỉ đồng vốn đối ứng cho kinh phí xây lắp trên địa bàn. Bà con còn hình thành các ban giám sát cộng đồng theo dõi chất lượng thi công công trình và hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thi công, giảm thiểu ô nhiễm môi trường của nhà thầu trong quá trình thi công.

Dự án cũng đã giúp tăng cường năng lực quản lý nhà đất cho cán bộ nhà đất phường, quận, xây dựng năng lực cho Hội Phụ nữ ở địa phương với Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) hình thành quỹ quay vòng cải thiện điều kiện nhà ở giúp các hộ thu nhập thấp có điều kiện sửa chữa, cất nhà. Đến nay, đã có hơn 21.000 người được tiếp cận các dịch vụ hạ tầng đã được cải thiện tại các khu thu nhập thấp trong đó có gần 2.000 hộ được vay vốn trong đó có hơn 1.200 hộ đã trả xong nợ.

Theo ông Huỳnh Thanh Sử, giám đốc Ban quản lý dự án ODA Cần Thơ: Với hiệu qủa của ba dự án, tới đây, thành phố sẽ kiểm soát tổng thể chống ngập lụt và vệ sinh môi trường, thoát nước chủ động cho khoảng 3.600 ha cho các quận ội ô có nơi ở với hạ tầng tốt hơn, ổn định cuộc sống đồng thời tăng cường quản lý đô thị thích ứng với BĐKH. Bà con ở trong hẻm sẽ không còn bị cảnh ngập, nghẹt, mở được cơ sở kinh doanh, sinh lợi ngay tại nhà...

Dự án NCĐT đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện bộ mặt thành phố. Những công trình của dự án đưa vào sử dụng không những khoác lên mình đô thị Cần Thơ “chiếc áo mới” mà còn nâng cao ý thức người dân trong việc tình nguyện di dời, hiến đất, góp phần đẩy nhanh tiến độ các công trình. Đây là tiền đề quan trọng cần phát huy cho những dự án tiếp theo của thành phố... Một số nơi trở thành điểm nhấn tạo môi trường xanh, sạch, đẹp cho thành phố Cần Thơ.

Thông qua quản lý tốt nguồn vốn, rà soát thiết kế, lập dự toán, điều chỉnh kế hoạch đấu thầu, thực hiện công khai, minh bạch việc đấu thầu nên trung bình mỗi gói thầu xây lắp giảm khoảng 25% qua đó được WB đồng ý sử dụng nguồn vốn kết dư tiếp tục đầu tư các hạng mục như: xây các điểm trường, trạm y tế ở các quận Bình Thủy, Ô Môn, Ninh Kiều; thi công các công trình chống ngập cục bộ và lắp đèn chiếu sáng ở quận Ninh Kiều nâng cao mức hưởng lợi cho cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần Thơ - Bừng sáng những con hẻm