Ngày 20/2, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức cuộc họp với Sở Giáo dục và đào tạo, Sở LĐTB&XH và Sở Nội vụ thành phố bàn về việc tổ chức cuộc thi THPT Quốc gia và thực hiện nhiệm vụ chủ trương bàn giao, sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp.
Theo Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ, thành phố sẽ tổ chức 1 cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại thành phố, dùng kết quả thi để xét nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp kết quả làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo đó sẽ tổ chức 5 bài thi gồm: 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 2 bài thi tổ hợp là bài thi Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học) và bài thi Khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Hình thức thi trắc nghiệm và tự luận.
Đại diện Sở LĐTB&XH Cần Thơ phát biểu tại cuộc họp.
Trong năm qua các cơ sở dạy nghề thuộc Sở LĐTB&XH thành phố Cần Thơ đã tổ chức tuyển sinh và dạy nghề cho 39.291 người, đạt trên 100% kế hoạch năm 2016 (trong đó, đào tạo nghề lao động nông thôn cho 4.372 người). Mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn TP. Cần Thơ tiếp tục được củng cố, tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển đến nay có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Năm 2017 này, Sở LĐTB&XH Cần Thơ đưa ra chỉ tiêu tuyển mới 45.000 người, trong đó: Cao đẳng 6.500 người, Trung cấp 8.400 người; sơ cấp và dưới 3 tháng 30.100 người. Trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn 4.300 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề so với lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đạt 53%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69%.
Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu tại cuộc họp.
Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Đề nghị Sở GD&ĐT cần rà soát chặt chẻ các bước chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nghiên cứu đề xuất tổ chức thi thử để chuẩn bị tâm lý và hành trang tốt cho các em học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp đạt kết quả cao nhất.
Việc bàn giao sáp nhập một số đơn vị của ngành giáo dục cho ngành LĐTB&XH cần phải chấp hành và sớm thực hiện vì đây là chủ trương của Trung ương.
Đề nghị ngành GD&ĐT, LĐTB&XH, Nội vụ và các huyện thị thực hiện nghiêm túc đúng thời gian quy định. Yêu cầu làm sao trong quá trình sáp nhập tránh tình trạng sáo trộn, cục bộ xảy ra. Về tài sản các đơn vị liên quan địa phương cần phải sắp xếp sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát.
Đặc biệt không làm ảnh hưởng đến quá trình thi cử của các em học sinh ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT Quốc gia sắp tới…