Ngày 26/3, trong phiên họp thường kỳ của UBND TP Cần Thơ, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Toại cho biết, thành phố còn tồn kho hơn 254.000 tấn lúa, gạo. Hiện doanh nghiệp (DN) đang mua vào nhưng tình hình giá lúa có xu hướng bị chững lại.
Người dân vừa mừng vì giá lúa tăng thì lại có thông tin bắt đầu giảm nhẹ.
Ông Toại cũng cho biết, DN tạm ngưng mua vì chờ phản ứng của Chính phủ và Bộ Công Thương về việc tiếp tục hay dừng xuất khẩu gạo. Với tình hình này, sắp tới, giá lúa có thể sẽ tụt dốc, khiến người nông dân không khỏi lo lắng. Hiện tại, TP Cần Thơ có 4 DN đang chuyển hang ra kho ở TP HCM để xuất khẩu gạo.
Ông Nguyễn Minh Toại còn thông tin về thực tế ảnh hưởng dịch Covid-19, khiến tình hình tiêu thụ hàng hóa và sản xuất thành phố cũng gặp nhiều khó khăn. Tại các chợ truyền thống sức mua cũng giảm so với thời điểm trước đó.
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ thông tin thêm, hiện dư nợ toàn ngành hết tháng 3 tăng 0,63%, đạt gần 92.000 tỷ đồng. Tín dụng chính sách tăng 2,94% (cho vay nuôi cá tra, cho vay thu mua lúa gạo…). Về phòng chống dịch, từ ngày 23/1 ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp như ban hành một loạt quy định về giảm lãi suất, giãn, gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với khách hàng cho đến khi Thủ tướng công bố hết dịch. Tới nay, TP Cần Thơ có trên 1.000 tỉ đồng dư nợ được xem xét giảm lãi suất 0,5%-1%, cho các DN về lĩnh vực xuất nhập khẩu, du lịch, khách sạn nhà hàng.
“Với tình hình này, cơ cấu dư nợ, nợ khó tăng trưởng và kế hoạch đặt ra khó hoàn thành. Hai là nợ xấu phát sinh… Và nếu chiều nay (26/3) Bộ Công Thương không giải quyết được việc cấm xuất khẩu gạo thì 7.700 tỷ đồng cho vay xuất khẩu gạo của các ngân hàng trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ rơi vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Tức là nguy cơ nợ xấu sẽ phát sinh thêm nữa”, ông Hà lo lắng.