Theo lộ trình tháng 4 và tháng 5/2016, Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ đang triển khai kế hoạch kiểm tra mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc trên toàn thành phố để đánh giá lại hoạt động các mô hình và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả.
Toàn thành phố có trên 54 mô hình tiêu biểu và hiệu quả với thu nhập gần 2 triệu đến trên 4 triệu đồng/tháng. Các mô hình này được tiếp tục nhân rộng để tăng thu nhập cho người dân.
Mô hình may gia công ở ấp Thới Xuân, xã Xuân Thắng, huyện Phong Điền được thành lập từ năm 2014 may gia công cho các công ty. Đến nay, có gần 20 công nhân, thu nhập bình quân trên dưới 2 triệu đồng. Anh Phạm Tấn Lộc, chủ cơ sở cho biết: Sau khi học nghề xong, tôi mạnh dạn mua máy may của Công ty và đề xuất may đồ cho công ty để trả dần tiền máy. Ngoài ra, tôi còn vay vốn 15 triệu đồng và được xã hỗ trợ cho 5 máy may. Phần lớn những chị em công nhân ở đây làm thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập. Hiện nhu cầu nhiều chị em muốn tham gia vào mô hình nhưng chưa có vốn nên không dám nhận thêm…
Hợp tác xã Phú Thọ ở ấp Phú Thọ, xã Trường Xuân, huyện Phong Điền do chị Nguyễn Thị Đậm làm chủ nhiệm, hiện nay có 32 thành viên đều là nữ, chuyên may gia công giày thể thao học sinh cho công ty Thành Công trên TP HCM. Chị Đậm chia sẻ: Công nhân chủ yếu là chị em phụ nữ ở tại địa phương, chủ yếu làm lúc nhàn rỗi nên thu nhập cao hay thấp tùy vào số lượng sản phẩm làm được. Nhìn chung, mỗi người được khoảng 3 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, ở vùng nông thôn, khá ổn định…Thời gian qua, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở xã ra là chúng tôi nhận vào làm, nếu tay nghề chưa đạt sẽ hướng dẫn thêm.
Tổ hợp tác may gia công hàng may mặc ở khu vực An Hưng phường Phú Thứ được thành lập từ năm 2013, do bà Huỳnh Thị Hà - Trưởng ban Công tác Mặt trận làm quản lý, tổ hợp tác có 15 thành viên đều là nữ. Thời gian qua Tổ hợp tác nhận hàng từ các công ty rồi về gia công cho họ. Tổ hợp tác đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông nhàn, hàng tháng cho thu nhập từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng. Cơ sở sửa xe gắn máy Toàn, ở khu vực 1 phường Ba Láng, quận Cái Răng do ông Nguyễn Thanh Toàn làm chủ hiện có 6 công nhân là thợ sữa xe lành nghề do cơ sở đào tạo ra, ngoài ra hàng năm cơ sở còn dạy nghề cho hàng chục lao động ra sửa xe lành nghề đều mở tiệm riêng.
Huyện Phong Điền có 13 mô hình mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo thì trong đó 9 mô hình hoạt động khá hiệu quả, thu nhập trung bình từ 2 triệu đến 3 triệu đồng/tháng. Nổi bật nhất vẫn là các mô hình của các tổ chức hội đoàn thể đứng ra thành lập, cụ thể như Hợp tác xã Chanh không hạt ở Ấp Trường Hòa, xã Trường Long do Hội Phụ nữ đứng ra thành lập đến nay thu nhập 50-60 triệu đồng/năm của Hội nông dân. Hay xã Tân Thới của huyện Phong Điền, có 3 mô hình đan sọt của Hội Cựu chiến binh xã.
Mô hình đan sọt trồng hoa kiểng Tân Long A, xã Tân Thới, của Hội Cựu Chiến binh với 35 thành viên, trong đó có 28 thành viên là nữ, thu nhập mỗi tháng 2,8 triệu đồng. Đánh giá về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ông Phạm Văn Xếch- Phó phòng LĐTB&XH huyện Phong Điền cho biết: Được sự quan tâm của Sở LĐTB&XH thành phố và Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn đào tạo các lớp nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, tạo cho người lao động nông thôn có được cái nghề để làm thêm lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, có thêm nhiều kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho ra trái đạt hiệu quả, năng xuất cao. Ông Xếch kiến nghị: Thời gian tới để duy trì hoạt động các mô hình đạt hiệu quả hơn đề nghị nâng cao kỹ thuật, chất lượng dạy nghề, tạo đầu ra cho sản phẩm, thu thập cho lao động tương đối ổn định hơn.
Tại quận Cái Răng, ông Ngô Tàu- Phó phòng LĐTB&XH quận cho biết: Số cơ sở doanh nghiệp cần lao động trên địa bàn không nhiều. Thời gian qua, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quận Cái Răng. Các địa phương đã quan tâm nhiều và tạo điều kiện duy trì, nhân rộng các mô hình, từ đó tạo việc làm cho nhiều lao động ở các địa phương.
Các hội, đoàn thể của quận cũng vận động các hội viên học nghề, tham gia vào các tổ hợp tác, hoặc tìm việc làm ổn định, giúp lao động tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm thêm, tăng thu nhập cho gia đình, nâng cao mức sống. Điều đáng quan tâm là các địa phương của quận đã thể hiện vai trò trách nhiệm xây dựng mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ.
Nói về mục đích cũng như ý nghĩa của đợt rà soát các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm thời gian qua, ông Châu Hồng Thái, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH TP.Cần Thơ chia sẻ: Mục đích của đợt rà soát đánh giá hoạt động các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại địa phương, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các mô hình. Qua rà soát sẽ tiếp tục hỗ trợ duy trì mô hình hoạt động có hiệu quả, xây dựng bổ sung, nhân rộng các mô hình mới…