Nguồn cung bánh trung thu hiện rất đa dạng, từ sản phẩm của các công ty lớn chuyên sản xuất bánh kẹo đến các loại bánh tự làm (homemade) hay bánh từ nước ngoài vào không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vì thế, thời điểm này rất “tù mù” khi chọn bánh trung thu.
Giá bánh cao, sức mua thấp
Càng đến gần Tết trung thu, thị trường bánh trung thu càng sôi động. Khảo sát trên thị trường thời điểm hiện tại, các công ty bánh kẹo lớn quen thuộc như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Maison, Thu Hương… đã mở các gian hàng bắt mắt để bán bánh trung thu.
Bên cạnh các thương hiệu nổi tiếng, thị trường bánh trung thu cũng song song nhiều tên tuổi mới là bánh tự làm (homemade). Trong khi các hãng bánh lớn vẫn giữ “menu” bánh tương tự các năm trước thì bánh homemade lại có thêm nhiều vị mới như: Tinh than tre nhân đậu xanh hạt dưa, Socola phô-mai kem hạt dẻ đặc biệt, Red velvet nhân việt quất...
Chị Dương Hương (chủ một bếp bánh trung thu) cho biết: “Bếp phải sáng tạo ra nhiều loại nhân mới để giới thiệu với khách hàng vì khách hàng càng ngày càng kén chọn. Bánh trung thu các vị nhân nhuyễn thông thường vài năm trước không còn hấp dẫn nữa”.
Cũng trên mạng xã hội, nhiều trang bán hàng cá nhân rao bán bánh trung thu homemade với gíá cả phong phú, từ 20.000 đồng/chiếc đến 80.000 đồng/ chiếc.
Chị Nguyễn Ngọc Anh (Hà Nội) giới thiệu trên trang cá nhân của mình: nhận đặt bánh trung thu với mức giá từ 35.000 đồng /bánh đến 55.000 đồng/ bánh tuỳ từng loại nhân. Theo lời chị Ngọc Anh, 5 năm nay cứ đến mùa trung thu chị lại cùng cả nhà “lăn vào bếp”, nếu như năm 2021 làm cho vui vì dịch Covid -19 không thể đi giao bánh thì năm nay bánh đắt hàng hơn.
Ngoài 2 nguồn cung chính này, thị trường bánh trung thu còn có rất nhiều loại bánh mini, được quảng cáo là sản phẩm nhập từ Đài Loan (Trung Quốc). Đáng chú ý trên vỏ bao bì đều ghi chữ nước ngoài, không ghi hạn sử dụng. Bánh trung thu mini ngoại nhập cũng có rất nhiều vị nhân, được bán nhiều tại các hội nhóm trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Giá bán chỉ dao động từ 2.500-4.000 đồng/chiếc.
Thực tế này phần nào cho thấy bánh trung thu của các công ty bánh kẹo và bánh homemade, bánh nhập ngoại đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Dù vậy, bánh trung thu “có tên tuổi” vẫn có thông tin sản phẩm rõ ràng hơn 2 loại còn lại.
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, giá bánh trung thu của các công ty bánh kẹo năm nay tăng khá cao. Chẳng hạn, bánh trung thu nhân truyền thống như: bánh nướng, bánh dẻo vị đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen… giá niêm yết khoảng 55.000 đồng đến 62.000 đồng/bánh, trọng lượng là 150g và 180g. Trong khi các loại bánh mới như bánh heo vàng, bánh nhân phô-mai, Jambon lạp xưởng, gà quay… đều tăng giá khá cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến sức mua mặt hàng này thấp.
Tăng cường kiểm tra nhưng... không xuể
Nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm dịp Trung thu, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các địa phương vừa kiểm tra, xử phạt hàng loạt vụ việc vận chuyển, kinh doanh bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND về đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo đó, giao việc cho từng sở,ngành liên quan; yêu cầu việc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu. Đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên công tác kiểm tra thực tế vẫn như “muối bỏ bể” khi thời điểm này hàng chất lượng và hàng kém chất lượng đua nhau đổ bộ ra thị trường, chất lượng nhuộm nhoạm khó đoán biết. Mới đây, đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 24, Cục QLTT Hà Nội bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải tại địa chỉ số nhà 46, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng đang bày bán 10.800 chiếc bánh trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, đựng trong các thùng carton. Theo giá niêm yết tại cửa hàng, một chiếc bánh có giá 2.500 đồng/chiếc. Trị giá hàng hóa là 27 triệu đồng.
Chủ cửa hàng là ông Nguyễn Công Dũng đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ của lô bánh trung thu khi làm việc với đoàn kiểm tra, đồng thời khai nhận, gần Tết trung thu nhu cầu tiêu thụ cao nên đã nhập hàng trôi nổi trên thị trường về phục vụ nhu cầu của người dân.
Không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương khác, QLTT kiểm tra cửa hàng hàng hoá nào cũng phát hiện sai phạm.
Tại Hà Nam, vào hồi trung tuần tháng 8, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với Đội QLTT số 3 - Cục QLTT tỉnh phát hiện một cá nhân đang kinh doanh, buôn bán gần 1.600 chiếc bánh trung thu (bánh nướng các loại) tại Khu công nghiệp Châu Sơn, TP Phủ Lý.
Đáng chú ý chủ cửa hàng cũng không xuất trình được giấy tờ chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ toàn bộ số hàng trên và thừa nhận đã mua số bánh trên ở mạng xã hội với giá 3.000 đồng/chiếc về bán kiếm lời.
Không chỉ năm nay thị trường bánh trung thu mới xuất hiện bánh giá rẻ không rõ nguồn gốc. Các loại bánh giá rẻ này năm nào cũng xuất hiện, mỗi năm có một kiểu mẫu mã khác nhau.
TS. Từ Ngữ - Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, để làm bánh phải có quy trình từ bột, nhân, khuôn, nướng... Đặc biệt là vấn đề vệ sinh, nếu thực hiện đúng các quy trình thì đòi hỏi phải đầu tư lớn. Muốn giá rẻ thì quy trình phải thay đổi và nguyên liệu cũng phải rất rẻ. Và như vậy chất lượng bị bỏ ngỏ.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, UBND thành phố yêu cầu xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đối với lĩnh vực thuộc ngành Công thương quản lý. Đặc biệt kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng bánh trung thu, nguyên liệu sản xuất, rượu, bia, nước giải khát… phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các cấp trong công tác thanh tra, kiểm tra.
Tương tự, theo Tổng cục QLTT, dịp Tết trung thu lực lượng QLTT cả nước tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, giám sát thị trường để kịp thời triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp này như: bánh kẹo, hoa quả, đồ chơi... QLTT cũng sẽ chú trọng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, nhãn hiệu, chất lượng, an toàn thực phẩm, đo lường, các nguyên liệu, thành phẩm có nguồn gốc nước ngoài.
Theo TS.BS Đoàn Huy Cường - Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Trung ương quân đội 108, bánh trung thu truyền thống thường được làm từ bột mì tinh luyện, đường, bơ, dầu thực vật, bột đậu dạng nhuyễn và tẩm ướp với đường, có thể thêm cả lòng đỏ trứng. Ngoài các thành phần chứa các chất dinh dưỡng trên, trong bánh trung thu còn có thể có các chất phụ gia để tạo màu, tạo mùi… và các chất bảo quản để bảo quản được bánh lâu hơn. Với các loại bánh có thương hiệu, sản xuất theo các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, nguyên liệu làm bánh cũng như việc sử dụng các chất phụ gia và chất bảo quản được thực hiện chặt chẽ. Việc sử dụng đúng cách, hợp lý các loại bánh trung thu này sẽ không gây hại đến sức khỏe.
Tuy nhiên, với các loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác và không theo các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, sẽ có những nguy hại cho sức khoẻ. Nguyên liệu làm vỏ bánh và nhân bánh không đảm bảo, có thể được sử dụng từ các nguồn thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc có thể là nhập lậu. Bên cạnh nguyên liệu làm bánh không đảm bảo, việc sử dụng các chất phụ gia để tạo màu, tạo mùi và sử dụng các chất bảo quản quá liều lượng quy định hoặc không nằm trong danh mục được cấp phép sử dụng cũng gây các tác hại không nhỏ đến sức khỏe.
TS NGUYỄN VĂN CHUNG – NGUYÊN TRƯỞNG KHOA DINH DƯỠNG VÀ ẨM THỰC ĐH CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM TPHCM:
Nên mua bánh trung thu ở những cơ sở uy tín, có thương hiệu
Vào thời điểm này, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng dẫn đến việc xuất hiện các cửa hàng, cơ sở sản xuất, các đại lý bán bánh trung thu trải dài trên khắp đất nước. Thế nhưng có một số cơ sở nhỏ chuyên sản xuất thủ công đã cố tình hay vô ý sử dụng các loại sản phẩm có chất bảo quản độc hại để sản xuất bánh. Để đảm bảo an toàn, thay vì ham bánh trung thu giá rẻ, người dân nên mua bánh ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu; nếu là hàng nhập khẩu thì phải chứng minh nguồn gốc qua hóa đơn, tờ khai nhập khẩu, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm... Có như vậy mới tránh được các tác hại, rủi ro không mong muốn, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm.
CHUYÊN GIA THỊ TRƯỜNG VŨ VINH PHÚ:
Phải là người tiêu dùng thông minh
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất làm bánh trung thu mọc lên như nấm, khiến cho người tiêu dùng hoang mang trong việc lựa chọn bánh cũng như nhà cung cấp. Làm sao để chọn được một hộp bánh trung thu không những đẹp về hình thức, mà còn có chất lượng thơm ngon và đặc biệt là có giá vừa phải… Đây là một câu hỏi khó mà người mua hàng luôn băn khoăn. Có hàng trăm mẫu bánh với vô vàn các hương vị đến từ hàng chục các thương hiệu bánh khác nhau. Bánh trung thu là món ăn không thể thiếu trong mỗi dịp Tết trung thu, vì vậy người tiêu dùng cần hết sức thông thái, biết lựa chọn các loại bánh phù hợp, chất lượng và biết cách sử dụng bánh trung thu hợp lý, đúng cách để không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.