Những ngày cuối năm, nhu cầu mua cây cảnh về trang hoàng nhà cửa tăng cao, thị trường cây cảnh vì thế mà nhộn nhịp, tấp nập người mua, người bán hơn ngày thường. Lợi dụng dịp này, nhiều tiểu thương đã làm giả các bộ phận của cây cảnh như gắn hoa, quả, lá… vào cây một cách rất tinh vi để đánh lừa người tiêu dùng hòng kiếm lời.
Trên các con phố tại Hà Nội, những người bán cây cảnh rong xuất hiện khắp nơi mang đủ loại cây với nhiều chủng loại, kiểu dáng, mức giá khác nhau, có cây vài chục nghìn nhưng cũng có cây giá bạc triệu. Cùng với đó những người bán cũng có kẻ tốt, người xấu, người thì mang cây thật đi bán nhưng cũng có những kẻ bán hàng rong mang cây giả đi lừa người dân… Với những mức giá được cho là rẻ bất ngờ, không ít người vì tiết kiệm đã phải dính những cú lừa ngoạn mục khi mua phải những cục gỗ không rễ, hoa quả gắn keo về bày trong nhà.
Theo anh Trung Tuấn, người có thâm niên chơi cây cảnh cho biết, cây cảnh giả thường được chia làm 2 loại: Dùng cành cây non đã được kích thích rễ gắn vào gốc cây to, đẹp đã chết và phổ biến hơn cả là dùng keo, đinh, dây thép gắn hoa, quả. Cây cảnh giả sau khi được biến hóa như thật được chở bằng xe máy đi bán dạo với số lượng 4 - 5 cây/chuyến, trong đó, loại cây thường bị làm giả nhất là cây sung, lộc vừng, hải đường, hoa mai… Những cây này có hình dáng đẹp mắt nhờ việc “phù phép” rất công phu và chúng được bán giá rất rẻ. Với cây cảnh giả, thường khó để được lâu cho nên người bán thường cố gắng “đẩy” cho người mua với giá hời, một cây sung dáng bonsai hoặc cây mai vàng thế đẹp có khi chỉ mấy trăm nghìn.
Hay là những cây bưởi lúc lỉu đung đưa quả vàng óng, rất có thể nhiều quả trong số đó được gắn keo. Những cây sung quả kín cây, rất có thể là do ''tài năng'' dính quả tinh vi của người bán. Hoặc với nhiều người dân thành phố, trái táo (loại táo nhập từ các vùng ôn đới nước phương Tây, Trung Quốc…) không lạ vì có thể dễ dàng mua tại các chợ, siêu thị… Nhưng những trái táo còn nguyên trên cây, mà đều là cây còn rất nhỏ nhìn chẳng khác nào những cây táo bonsai thì lại là điều khá lạ. Chính vì lạ nên không ít người đã bỏ tiền ra mua loại “táo lùn siêu trái” này.
Nhưng thực tế là quả táo được gắn lên các loại cây dành dành, dâm bụt, mít… được người bán giới thiệu là giống táo lùn siêu trái, táo bonsai để lừa gạt người mua. Hầu hết, những cây này chỉ cao khoảng 50 - 70 cm, nhưng có tới 4 - 8 quả trên cây. Giá bán trung bình 200.000 - 300.000 đồng/cây. Với những cây lớn hơn, có thể lên đến 400.000 - 500.000 đồng/cây.
Vì để duy trì độ tươi cho thân và lá những người bán sẽ thường xuyên phải tưới nước cùng với một loại thuốc kích thích, tuy nhiên, những cây này cũng chỉ kéo dài được từ khoảng 5 ngày sau đó lại phải thay cây khác. Chính vì vậy khi gặp khách, cánh bán hàng rong sẽ cố bán cho bằng được, thậm chí giá chỉ bằng 1/5 so với giá ban đầu đưa ra.
Anh Nam (chủ cửa hàng cây cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám) cho biết: “Đối với một cây sung cảnh bonsai mà có quả sai trĩu, bện từ gốc đến ngọn như cây cảnh “502” rất hiếm. Nuôi nấng được một cây như vậy thì cũng phải mất từ 20 năm trở lên, giá bán phải từ 5 - 10 triệu đồng/cây. Nhưng những cây cảnh giả có thế dáng, hoa, quả đẹp như vậy mà giá bán lại rất rẻ. Tầm 200 nghìn, 500 nghìn đồng đến 2 - 3 triệu đồng/cây. Những kẻ lừa đảo này đã nắm bắt được sự thiếu hiểu biết về cây cảnh và tâm lý ham đồ rẻ của người dân nên lừa đảo thành công”.
Theo các chuyên gia, người mua cây cảnh cần phải hiểu biết cơ bản về các loại cây cảnh để nhìn nhận một cách chính xác. Thông thường, mỗi loại cây có những đặc điểm nhận biết riêng về hình thái, những cây bất thường có quá nhiều quả hay hoa, gốc quá to mà cành lại nhỏ, thân vỏ xù xì kiểu nhân tạo… thì phải cảnh giác, xem xét kỹ trước khi mua. Tốt nhất là mua của những nhà vườn, cửa hàng có địa chỉ uy tín thay vì mua ở các xe hàng rong.
TS Nguyễn Thị Kim Lý, Trung tâm Hoa - Cây cảnh, Viện Di truyền Nông nghiệp cho hay, những cây cảnh giả này rất khó phát hiện do được làm tinh vi. Do đó, khi chọn cây, nên lựa chọn những cây xanh về lá, đẹp về quả và đặc biệt là cần có lộc non.
Những trường hợp hay mua phải cây cảnh giả chủ yếu là người chơi sinh vật cảnh nghiệp dư, không am tường về cây, giới công chức mua về để chưng dịp tết hay vào nhà mới. Cây cảnh giả được làm với tay nghề rất cao, những người không rành về cây cảnh thì rất khó phân biệt được.
Anh Trọng Minh ( Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Cận tết năm trước, tôi mua chậu hoa hải đường hình dáng khá đẹp, giá 1,5 triệu đồng của một người bán dạo trên đường Lê Duẩn, nhưng đến ngày mùng 1 thì thấy cây héo lá, hoa rụng hết, mới té ngửa đó là cây được làm giả, mang nỗi bực dọc suốt cả mấy ngày tết. Đem “cây lộc” vứt ra góc vườn, hết tết tôi kiểm tra mới biết cây đã bị thối rễ, thân cây được dán rêu mốc như cây tươi, xung quanh thân được khoét lỗ cấy cành mai có lá nhỏ, nụ và hoa”.
Để tránh rủi ro khi bị người mua phát hiện cây giả, những người bán mặt hàng này không bao giờ cố định nơi bán hàng, mà rong ruổi khắp nơi và rất hiếm khi quay lại vị trí cũ. Chính vì vậy, khi trót mua phải cây giả, người mua chỉ biết nhẫn nhịn chịu đựng bực tức. Tuy nhiên, vẫn không khó để người tiêu dùng có thể mua được cây cảnh lề đường rẻ - đẹp để chơi xuân.
Trao đổi về cây gắn keo, cây cảnh giả, ông Vũ Đình Phương - Chủ tịch Hội nông dân phường Tây Tựu, thành viên Hội sinh vật cảnh phường cho biết: “Để biến cây giả thành thật rất công phu, trước hết người ta cắt tỉa những cành xấu, lá sâu trên cây, tạo dáng và cho vào bầu để chăm sóc. Trước khi bán, họ đánh dấu những vị trí cần cho thêm quả rồi khoan lỗ cho keo để dán quả vào các thân, cành cây. Điểm nối nào để lại dấu vết hoặc bị xước thì họ sẽ dán thêm rêu mốc, rồi mới cho vào chậu. Chính vì vậy khiến người mua khó phát hiện ra được đâu là giả, thật”.
Theo ông Phương, để tránh bị thiệt hại do mua phải cây cảnh giả, người mua cần xem cây một cách kỹ lưỡng để phát hiện các dấu hiệu bất thường trên cây như vết dán, lỗ khoan, nên đến các địa chỉ kinh doanh sinh vật cảnh uy tín để mua, cần thiết, nên nhờ những người có kinh nghiệm về cây cảnh xem xét hộ. Các loại cây cảnh giả thường được những “nghệ nhân” làm y như thật, thậm chí thế dáng đẹp hơn cả cây thật.
Cho nên, người mua cây cảnh cần phải hiểu biết cơ bản về các loại cây cảnh để nhìn nhận một cách chính xác. Những cây cảnh giả chúng làm rất tinh vi, đối với người thiếu kinh nghiệm nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt được. “Nhưng với con mắt nhà nghề thì sẽ phát hiện những đường nét, vết ghép của keo dán sắt. Vì vậy, tốt nhất là người thích chơi cây cảnh nếu muốn mua cây nên nhờ người có kinh nghiệm chơi cây cảnh chọn mua để tránh bị lừa đảo. Người tiêu dùng nên cảnh giác để tránh bị tiền mất lại mang bực tức vào thân, nhất là dịp Tết đến xuân về”.