Pháp luật

Cẩn trọng với lừa đảo “bắt cóc online”

Đức Sơn 23/07/2025 09:45

Không cần bắt người thật, không giam giữ hay đánh đập, nhưng các đối tượng lừa đảo vẫn khiến nạn nhân hoảng loạn, gia đình sẵn sàng chuyển hàng trăm triệu đồng để “chuộc” con. Thủ đoạn “bắt cóc online” đang nhắm vào học sinh, sinh viên - nhóm tuổi dễ bị thao túng tâm lý và thiếu kỹ năng phản ứng pháp lý.

Anh bai tren
Nữ sinh viên đến Công an trình báo sau khi bị lừa “bắt cóc online”. Ảnh: CAHN.

Giả mạo công an, điều khiển từ xa

Đầu tháng 7/2025, em H.T. (21 tuổi, trú tại phường Tân Bình, TPHCM) bất ngờ mất liên lạc sau khi nói với gia đình rằng, vừa nhận được suất đi du học Canada. H.T. thông báo cần 750 triệu đồng để chứng minh tài chính, trong đó nhà trường sẽ hỗ trợ một phần, gia đình chỉ cần lo 400 triệu đồng. Đến ngày 10/7, H.T. báo tiếp với gia đình cần thêm 350 triệu đồng để hoàn tất hồ sơ nhưng gia đình nghi ngờ nên từ chối. Trưa cùng ngày, một người thân gọi video thấy H.T. ngồi trong ô tô. Sau đó, nhận được cuộc gọi thông báo H.T. bị bắt cóc, cần chuyển 500 triệu đồng để chuộc về. Từ thời điểm đó, người thân không thể liên lạc được với H.T.

Công an TPHCM nhanh chóng xác minh, phát hiện H.T. đang ở một mình tại một khách sạn thuộc tỉnh Tây Ninh, hoàn toàn không có dấu hiệu bị giam giữ. H.T. cho biết trước đó nhận được cuộc gọi từ một người lạ, tự xưng là cán bộ điều tra, nói rằng H.T. liên quan đến đường dây bán thông tin tài khoản ngân hàng.

Để chứng minh mình vô tội, H.T. được yêu cầu chuyển 750 triệu đồng cho nhóm người này. Theo chỉ dẫn của các đối tượng, H.T. dựng lên câu chuyện đi du học để gia đình chuyển tiền. Sau khi nhận được 400 triệu đồng từ người thân, H.T. chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản ngân hàng lạ do các đối tượng đưa ra. Nhóm lừa đảo còn yêu cầu H.T. quay clip giả làm “con tin” bị tra tấn rồi gửi về cho gia đình để gây sức ép.

Tại Hà Nội, nữ sinh M. (19 tuổi, trú tại phường Ô Chợ Dừa) cũng suýt bị trở thành nạn nhân của các đối tượng “bắt cóc online”. Nhóm lừa đảo mạo danh Công an điều tra gọi điện thông báo M. liên quan đến hoạt động rửa tiền và buôn bán chất cấm. Các đối tượng yêu cầu M. phải chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ công tác điều tra.

Do M. không có tiền, các đối tượng hướng dẫn M. phải tìm chỗ kín đáo để vẽ lên mặt, người các vết thương giống như bị đánh gây ra, rồi liên hệ về gia đình báo mình bị bắt cóc và yêu cầu gia đình chuyển tiền chuộc mới được thả. Do quá lo sợ, M. đã làm theo yêu cầu của các đối tượng. M. gọi Zalo về gia đình, trình bày bị bắt cóc và cho xem vết thương giả. Nhóm đối tượng đe dọa “chặt ngón tay” nếu không chuyển 370 triệu đồng. Vào cuộc xác minh, Công an phường Ô Chợ Dừa đã tìm được M. đang ở một mình tại một khách sạn trên đường La Thành (Hà Nội).

Không chỉ riêng Hà Nội hay TPHCM, thủ đoạn tương tự cũng đã được ghi nhận tại nhiều tỉnh thành như: An Giang, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Phú Thọ… Điểm chung là nạn nhân đều là học sinh, sinh viên, nhóm tuổi dễ bị dọa nạt và tin tưởng tuyệt đối vào những gì được thấy qua màn hình và thiếu khả năng phản kháng pháp lý.

Bịt lỗ hổng

TS Lưu Hoài Bảo - Khoa Pháp luật hình sự (Trường Đại học Luật Hà Nội) nhận định: “Bắt cóc online” là một dạng lừa đảo công nghệ cao cực kỳ tinh vi và nguy hiểm. Loại tội phạm này đánh vào tâm lý yếu, thiếu hiểu biết pháp luật, đặc biệt là ở nhóm học sinh, sinh viên.

Theo ông Bảo, có 3 lý do khiến nạn nhân dễ mắc bẫy. Thứ nhất, đây là độ tuổi ít va chạm thực tế, chưa từng tiếp xúc với cơ quan pháp luật nên dễ hoảng sợ khi bị gán tội danh như rửa tiền, buôn ma túy. Thứ hai, người trẻ quen làm việc qua các nền tảng công nghệ như Zalo, Zoom… nên không nhận ra sự bất thường khi “công an làm việc qua mạng”. Thứ ba, nhiều em sợ liên lụy đến gia đình, sợ bị công khai trên mạng xã hội, bị đuổi học, nên chấp nhận làm theo yêu cầu của kẻ lừa đảo.

“Vấn đề không nằm ở sự nhẹ dạ, mà là ở chỗ các đối tượng lừa đảo đã khai thác triệt để lỗ hổng nhận thức, kết hợp giữa đe dọa pháp lý và thao túng cảm xúc. Đây là dạng tội phạm không cần chạm tay cũng có thể chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng và nguy hiểm nhất là khiến nạn nhân tự nguyện làm theo mà không biết mình đang bị lừa” - ông Bảo nhấn mạnh.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, muốn ngăn chặn triệt để các vụ lừa đảo “bắt cóc online” cần triển khai đồng bộ cả giải pháp pháp lý lẫn phòng ngừa xã hội. Trước hết, cần tăng cường xử lý hình sự nghiêm minh đối với các đối tượng lừa đảo công nghệ cao. Không chỉ xử phạt theo Điều 174 BLHS (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), mà trong nhiều trường hợp còn cần áp dụng thêm Điều 290 BLHS (tội sử dụng mạng viễn thông chiếm đoạt tài sản). Việc khởi tố, truy tố nhanh chóng và công khai các vụ án sẽ tạo tính răn đe thực tế. Bên cạnh đó, cần sớm bịt các “lỗ hổng công cụ” như sim rác, tài khoản ngân hàng ảo - vốn là phương tiện chủ yếu để đối tượng lừa đảo hoạt động ẩn danh, rửa tiền và khó truy vết.

Về mặt xã hội, cần tăng cường giáo dục kỹ năng phản ứng pháp lý cho học sinh, sinh viên. Các trường học, tổ dân phố, khu dân cư cần chủ động tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cách nhận diện lừa đảo công nghệ cao, xử lý khi gặp các cuộc gọi bất thường, tránh để người dân tự xử lý trong trạng thái hoảng loạn.

Theo Công an TP Hà Nội, để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương. Tuyệt đối không gọi điện yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc cài đặt phần mềm để phục vụ điều tra. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ và xử lý theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn trọng với lừa đảo “bắt cóc online”