Khi thời tiết thay đổi, hay nồm ẩm dễ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại ký sinh trùng phát triển gây bệnh, nhất là những bệnh nấm ngoài da.
Khi bị nấm không nên tự ý mua thuốc mà cần khám bác sĩ.
Các bệnh nấm da thường gặp bao gồm nấm thân, nấm kẽ (tay, chân), nấm bẹn và nấm móng. Nấm da thường là do các vi nấm thuộc ba chi Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum thuộc họ Dermatophytes và nấm Candi albians gây nên.
Một khi gặp điều kiện thích hợp về độ ẩm, PH, đặc biệt khi hệ miễn dịch của cơ thể người suy yếu, các bào tử nấm có sẵn trong môi trường đất, nước, không khí dễ dàng phát triển thành sợi nấm. Trong quá trình phát triển, sợi nấm tiết ra độc tố gây kích ứng và mẩn ngứa cho da.
Một số thuốc thường được dùng trong điều trị bệnh nấm da hiện nay, chia thành 5 nhóm như sau: Nhóm polyen, có khoảng 200 thuốc thuộc nhóm này, có cùng một cơ chế tác dụng. Một số thuốc thông dụng nhất của nhóm này là amphotericin B, nystatin, natamycin...
Nhóm kháng sinh kháng nấm (griseofulvin): Griseofulvin được sinh tổng hợp từ penicillium griseofulvin, bào chế dưới dạng viên, kem bôi ngoài da. Đối với dạng uống hấp thu tốt sau khi ăn bữa ăn giàu chất béo. Thuốc có tác dụng diệt nấm da bằng cách làm thoái hóa nguyên sinh chất, làm rối loạn hệ thống men của tế bào nấm dẫn đến làm ngừng sự phát triển của nấm…
Bên cạnh, có một số thuốc dễ dung nạp, ít độc tính, dùng được cả đường toàn thân (uống, ngậm, tiêm) và dùng bôi. Trong quá trình sử dụng cần lưu ý: Đối với thuốc bôi: Khi dùng dạng thuốc này để điều trị nấm da, người bệnh cần làm sạch da trước khi bôi để thuốc tiếp xúc trực tiếp với mô tổn thương. Khi bôi nên xoa đều bề mặt da để thuốc ngấm nhanh.
Ngoài ra, không nên tự ý bôi thuốc không đúng nồng độ và các thuốc có thành phần có hại cho da như axit, pin đèn... và không nên bôi kéo dài ở cùng một vị trí trên da mà không theo chỉ định của bác sĩ hay không tái khám kiểm tra tình trạng bệnh vì nguy cơ gây viêm da và dị ứng.
Đối với thuốc uống: Đây là loại thuốc có tác dụng toàn thân, người bệnh không nên tự ý mua thuốc sử dụng mà cần theo đơn của bác sĩ, nhất là trong các trường hợp đặc biệt, như suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, trẻ nhỏ... Bên cạnh đó, việc dùng thuốc có thể liên quan đến bữa ăn hoặc không thì người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc hỏi trực tiếp bác sĩ, dược sĩ.
Khi dùng thuốc cần chú ý độc tính của thuốc. Với dạng dùng ngoài da, một số thuốc chống nấm gây dị ứng, kích ứng dạng ban, mẩn đỏ. Dạng dùng toàn thân, các thuốc này có thể gây độc tính trên đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy), tổn thương gan, trên hệ thần kinh (đau đầu, đau dây thần kinh ngoại vi, nhìn mờ, ngủ lịm hoặc mất ngủ, lẫn...); với hệ tạo máu (giảm tiểu cầu, bạch cầu...).
Với trường hợp người bệnh ngoài da bị nhiễm độc thuốc do dùng các loại thuốc bệnh, cần ngưng ngay những thuốc nghi ngờ và điều trị triệu chứng. Nguyên tắc điều trị là tùy theo nguyên nhân và mức độ của bệnh mà có cách điều trị thích hợp. Người bệnh nặng phải được điều trị ở những nơi có hệ thống cấp cứu kịp thời, kết hợp cả điều trị toàn thân và điều trị tại chỗ.
Khi dùng thuốc điều trị tại chỗ cần lưu ý thận trọng vì trên nền da người bệnh đã bị viêm nhiễm, mất sức đề kháng nên dễ gây phản ứng ngược. Trường hợp nặng, lan tỏa và biến chứng vào nội tạng phải được điều trị và theo dõi tại cơ sở y tế.
Điều cần lưu ý là để tránh nguy cơ nhiễm độc da do thuốc, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của thầy thuốc. Khi dùng thuốc cần theo dõi những biểu hiện bất thường trên cơ thể để được xử trí kịp thời.