Cẩn trọng với Sơn Trà

Dương Thanh Tùng 14/05/2017 08:00

Sau khi xảy ra sự cố phần lớn diện tích sườn Tây Nam Sơn Trà của TP Đà Nẵng bị băm nát để xây dựng dự án (DA) Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa với 40 móng biệt thự không phép vào tháng 3/2017; đầu tháng 4/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến Thủ tướng yêu cầu TP Đà Nẵng báo cáo cụ thể về DA Khu du lịch này.

Mới đây, ngày 12/5, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có Văn bản gửi Bộ VHTT&DL cùng UBND TP. Đà Nẵng truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chỉ đạo xem xét khoa học và cầu thị kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/5.

Chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng cho thấy sự quan tâm kịp thời của Chính phủ đối với Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) có tầm vóc, vị trí rất đặc biệt này.

Một góc TP Đà Nẵng nhìn từ bán đảo Sơn Trà (Ảnh: Dương Thanh Tùng).

Thiếu sự tham vấn cộng đồng

Tại văn bản số 3206/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng báo cáo vụ việc liên quan đến Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa tại bán đảo Sơn Trà; Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng “xem xét, xử lý các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng, chiều 11-5, lãnh đạo Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) có buổi làm việc với ông Huỳnh Tấn Vinh- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng- người gửi kiến nghị lên Thủ tướng đề nghị điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Buổi họp thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và các nhà hoạt động môi trường, nhưng gần 100 phóng viên có mặt tại trụ sở Văn phòng Bộ VHTT&DL (số 1 An Nhơn 7, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) bị từ chối tham dự vì đại diện Tổng cục Du lịch cho rằng “đây là cuộc họp nội bộ”.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết vào sáng 13/5, ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết, cuộc họp giữa ông với đại diện Tổng cục Du lịch là ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng “không đi đến đâu, không giải quyết được gì” vì phía Tổng cục Du lịch khăng khăng cho rằng đã làm đúng quy trình khi thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo ông Vinh, Tổng cục Du lịch đã không chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng là “xem xét, xử lý các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Ngày 21/3, ngay sau khi sườn Tây - Nam bán đảo Sơn Trà bị băm nát để xây công trình trái phép được dư luận phát hiện, ông Huỳnh Tấn Vinh với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đã gửi thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo điều chỉnh lại Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (căn cứ Quyết định số 2163/QĐ - TTP ngày 9/11/2016).

Cụ thể, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch trên tiêu chí: Giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà bởi TP Đà Nẵng hiện đang có gần 600 khách sạn với gần 22.000 phòng, đủ để đón đến 15 triệu lượt du khách/ năm.

Chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách. Hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm.

Hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rặng san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế xã hội của dân cư.

Hợp nhất KBTTN Sơn Trà (được thành lập theo quyết định số 45/QĐ-TTg) và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển quốc tế như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.

Qua trao đổi với PV, ông Huỳnh Tấn Vinh cũng khẳng định, quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà của Tổng cục Du lịch đã bỏ qua công đoạn quan trọng là tham vấn cộng đồng. Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng không hề được Tổng cục Du lịch tham vấn khi chấp bút bản quy hoạch này.

Mục tiêu đặc biệt của các dự án khách sạn, resort

Dù cả 2 phía (Tổng cục Du lịch do ông Hà Văn Siêu- Phó Tổng cục trưởng làm đại diện và Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng do ông Huỳnh Tấn Vinh- Chủ tịch Hiệp hội làm đại diện) tham gia cuộc họp chiều ngày 11/5, không tìm được tiếng nói chung về Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhưng tại cuộc họp này, một khuyến nghị do đại diện Trung tâm con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt xanh (Green Việt), Nhóm nghiên cứu - Giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật Đại học Đà Nẵng, đồng ký tên gửi Thủ tướng, HĐND, UBND TP Đà Nẵng đã được ông Huỳnh Tấn Vinh trao cho đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch.

Thư khuyến nghị đề cập đến 8 nội dung bao gồm: Rà soát lại toàn bộ các Quy hoạch liên quan đến bán đảo Sơn Trà được phê duyệt nhằm thống nhất con số về diện tích rừng đặc dụng ở KBTTN Sơn Trà; rà soát và chấn chỉnh lại việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Sơn Trà - đặc biệt là chuyển đổi đất rừng đặc dụng sang “đất khác”; tổ chức điều tra và thẩm định lại Đánh giá tác động Môi trường chiến lược (ĐMC) đối với Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà; xây dựng quy hoạch tích hợp tổng thể về bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, kết nối cả hệ sinh thái rừng và biển trong một tổng thể mối liên hệ sinh thái tự nhiên; xem xét hợp nhất Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới trình UNESCO công nhận (như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm của Quảng Nam) nhằm mục đích bảo tồn hệ sinh thái cả trên cạn lẫn dưới nước; xây dựng cơ chế thống nhất, giao 1 đơn vị chính quản lý, bảo vệ rừng, quản lý mọi hoạt động của du khách cũng như người dân ở bán đảo Sơn Trà; xây dựng mô hình du lịch sinh thái, tạo ra thu nhập từ hoạt động bảo tồn hệ sinh thái và thiên nhiên hoang dã ở Sơn Trà, hình ảnh voọc chà vá chân nâu được xây dựng thành biểu tượng linh vật của Đà Nẵng tương tự như gấu trúc ở Trung Quốc, đại bàng đầu trắng ở Mỹ, kangaroo ở Úc; nghiên cứu và áp dụng mô hình tổ chức phi lợi nhuận tham gia quản lý KBTTN Sơn Trà như mô hình Công viên thiên nhiên đảo Phillip ở bang Victoria của Úc và Khu bảo tồn khỉ Tarsier ở Bohol, Philippinnes.

Khuyến nghị gồm 8 điểm nêu trên được xây dựng trên tinh thần buổi Hội thảo Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà được Trung tâm con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt xanh (Green Việt), Nhóm nghiên cứu - Giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật Đại học Đà Nẵng, tổ chức ngày 28/4 vừa qua.

Ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết, Ban tổ chức hội thảo đã mời Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch nhưng đáng tiếc là đã không có sự tham dự của đại diện Viện này với tư cách là tác giả của Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.

Tại buổi hội thảo này, TS Vũ Ngọc Long (Viện Sinh thái học miền Nam) đưa ra thông tin đáng quan ngại: Năm 1977 khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành Quyết định (số 41 - Ttg ngày 24/1/1977), quy định Sơn Trà được bảo vệ nghiêm ngặt theo chế độ rừng cấm với toàn bộ bán đảo và vùng xung quanh chân núi kéo dài ra 500 m với tổng diện tích là 4.439 ha. Năm 1992, Sơn Trà được công nhận là KBTTN với tổng diện tích 4.400 ha.

Tuy nhiên cho đến năm 2016, Sơn Trà đã bị mất đi 1/4 diện tích để phát triển thành Khu du lịch quốc gia. Kiến trúc sư Hoàng Sừ tham dự buổi hội thảo đưa ra nhận xét: Do tính chất đặc thù là KBTTN lại có cảnh quan biển - đảo tuyệt đẹp nên Sơn Trà trở thành mục tiêu đặc biệt cho các DA khách sạn, resort…

Đây là nguyên nhân phát sinh hàng loạt vấn đề bất cập trong quản lý, bảo tồn thiên nhiên về xâm lại quy mô ranh giới KBT, mâu thuẫn giữa định hướng bảo tồn thiên nhiên và khai thác phát triển, cấp phép đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.

Sơn Trà không còn nguyên vẹn. Đúng hơn, Sơn Trà đang bị tổn thương bởi tác động của sinh kế người dân - đặc biệt là của quá trình đầu tư xây dựng từ gần 40 năm qua.

Từ bất cứ nơi nào trên trục đường Nguyễn Tất Thành trông lên, sẽ gặp sườn Tây Nam bán đảo này bị băm nát đến đau lòng. Trên chiều dài gần 10 cây số sườn Đông Nam Sơn Trà, hàng loạt DA bị đình trệ nhiều năm với nhan nhản biệt thự xây dở dang, hoang phế…

Tại buổi họp báo quý I/2017 chiều 27/3, sau vụ việc sườn Tây Nam Sơn Trà bị băm nát với 40 móng biệt thự không phép; ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định Sơn Trà vừa là báu vật thiên nhiên, vừa có vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng.

Ông Tuấn cho biết, UBND TP sẽ có báo cáo Thủ tướng điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.

Phát biểu của Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn là hy vọng cho bất cứ ai yêu quý Sơn Trà nhưng hy vọng vừa lóe lên đã bị dập tắt khi tại cuộc họp ngày 11/5, đại diện Tổng cục Du lịch khẳng định Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà là đúng quy trình!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn trọng với Sơn Trà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO