Cần vốn đến doanh nghiệp nhanh nhất

T.Hằng (thực hiện) 26/10/2022 07:00

Trong cuộc trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh đánh giá cao các chương trình, chính sách hỗ trợ cho cộng đồng DN. Tuy nhiên, để DN tiếp cận được gói ưu đãi lãi suất 2%, cơ quan quản lý cần gỡ bỏ một số thủ tục, điều kiện, còn ngân hàng thương mại khi triển khai cho vay vốn cũng thực hiện nhanh nhất có thể. Vốn đến với DN sớm, DN càng có cơ hội.

Ông Mạc Quốc Anh.

PV: Ông đánh giá như thế nào về cơ hội kinh doanh của DN trong những tháng cuối năm?

Ông Mạc Quốc Anh: Tôi nghĩ cộng đồng DN vẫn gặp nhiều khó khăn. Trên thế giới, người dân các nước đang cảm thấy áp lực trước tình trạng thu nhập sụt giảm trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, giá năng lượng ngày một tăng cao. Các nhà bán lẻ lo ngại tình trạng lạm phát sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng. Trong lĩnh vực xuất khẩu, các DN làm hàng xuất khẩu nhiều chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến đơn hàng đặt ở DN Việt Nam.

Trong nước lạm phát cũng tăng, giá nguồn nguyên vật liệu tăng, giá lương thực cũng bị biến động do ảnh hưởng thời tiết, chi phí vận hành của DN tăng cao. Dự báo về cơ hội của DN không mấy tích cực.

Đặc biệt cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đang có xu hướng thắt chặt. Nhiều DN bất động sản không vay được vốn. Ngày 24/10 Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục điều chỉnh tăng một số mức lãi suất cơ bản. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng nhanh. Điều này đồng nghĩa ngân hàng muốn hút tiền về, DN tiếp cận vốn ngày càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó DN sản xuất của Việt Nam lại không nhiều, chủ yếu là DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thương mại. Đặt trong bối cảnh các nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước đều suy giảm thì trong thời gian còn lại của năm, cung và cầu không gặp nhau được, cộng đồng DN khó khăn.

Về khả năng tiếp cận gói ưu đãi lãi suất 2% của cộng đồng DN nhỏ và vừa thế nào, thưa ông?

-DN có tiếp cận được thông tin nhưng khâu xử lý thủ tục, để đưa được nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng đến DN là khó khăn. Các DN kinh doanh đa ngành nghề nên rất khó xác định được đối tượng cho vay, hơn nữa nhiều DN cũng ngại khi tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ này, bởi e dè về việc thanh tra, kiểm tra sau này. Còn khách hàng đủ điều kiện thì không muốn vay, mà khách hàng muốn vay thì không đủ điều kiện; nhiều khách hàng đủ điều kiện đúng đối tượng nhưng không xác định được nguồn vốn vì hoạt động nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, nên cũng không muốn tiếp cận nguồn vốn này.

Còn ở phía ngân hàng, do đây là nguồn vốn ngân sách nên ngân hàng cũng phải tính toán sao cho vốn đưa đúng đối tượng, nhưng như tôi đã nói, đưa đúng và trúng đối tượng là rất khó vì 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, DN đã thay đổi rất nhiều. Có DN nợ chồng nợ, có DN chưa từng nợ xấu cũng thành nợ xấu.

Chúng ta đưa ra chính sách hỗ trợ lãi suất là rất tốt nhưng đưa được ra thị trường thì còn nhiều khoảng cách. Chủ trương cho DN tiếp cận vốn ưu đãi là cực kỳ quan trọng để hỗ trợ chi phí cho DN. Chẳng hạn như với các lĩnh vực sản xuất ưu tiên, nếu như lãi vay đang áp dụng là 9% thì nay chỉ còn 7%. Như vậy DN tiết kiệm được bao nhiêu tiền trả lãi cho ngân hàng.

Vậy theo ông cần tháo gỡ điểm nghẽn gì để việc giải ngân gói 40.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 2% được triển khai nhanh?

-Theo tôi, cơ quan quản lý cần bỏ, hoặc giảm dần các điều kiện cần và đủ để DN được tiếp cận nguồn vốn. Khi DN làm ăn tốt lên họ lại đóng thuế. Đây là một bài toán vòng tròn nên cần gỡ 1 điểm nhất định, làm sao để kích cầu được khu vực DN là tốt nhất.

Hiện DN kêu ngại tiếp cận vốn và chính ngân hàng cũng than ngại cho vay, nên cần dỡ bỏ các điều kiện tài sản đảm bảo… Ở phía các địa phương, hệ thống ngân hàng thương mại khi làm các khoản hỗ trợ thì cố gắng làm nhanh nhất có thể. Tiền càng về sớm với DN thì DN càng có thêm cơ hội để phát triển, bứt phá. Nếu ngân hàng không thể giải ngân tiền đồng nghĩa DN không được hưởng hỗ trợ lãi suất, khó vẫn hoàn khó.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần vốn đến doanh nghiệp nhanh nhất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO