Theo ông Tạ Đức Giang, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT Hà Nội cho hay, thời gian tới ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các học sinh, sinh viên vi phạm, CSGT cần gửi thông báo về nhà trường để có hình thức giáo dục, kỷ luật.
Thời gian qua, không ít học sinh đi xe máy đến trường nhưng không đội mũ bảo hiểm, kẹp ba, thậm chí chưa đủ tuổi nhưng đi xe máy trên 50 phân khối.
Theo thống kê của Bộ Công an, chỉ trong 10 tháng năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 64.000 trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT.
Trong đó, các lỗi vi phạm chủ yếu là chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; không đội mũ bảo hiểm; không có giấy phép lái xe.
Theo Trung tá Đào Việt Long, Phó phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) việc nâng cao ý thức khi tham gia giao thông cho các em học sinh là rất quan trọng. Bởi lứa tuổi này cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, giúp các em hình thành ý thức, thói quen tham gia giao thông an toàn.
"Từ đầu năm học 2023-2024, đơn vị đã chủ động phối hợp cùng phòng giáo dục và đào tạo 30 quận, huyện, thị xã, tổ chức tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ vào giờ ngoại khóa đầu tuần. Các tiết học ngoại khóa thu hút hàng nghìn học sinh tham gia.
Vào những tháng cuối năm, lực lượng CSGT Thủ đô tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, tổ chức các buổi sinh hoạt, tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT đến đối tượng là học sinh", Trung tá Long cho hay.
Cùng đó, ông Tạ Đức Giang, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT Hà Nội mong muốn thời gian tới, lực lượng CSGT, Công an TP Hà Nội sẽ liên tục tăng cường kiểm tra, xử lý và nhắc nhở tới phụ huynh, học sinh về việc chấp hành quy định khi tham gia giao thông.
"Việc làm này không chỉ nhằm mục tiêu kéo giảm nguy cơ TNGT, mà còn góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ trẻ. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các học sinh, sinh viên vi phạm, CSGT cần gửi thông báo về nhà trường để có hình thức giáo dục, kỷ luật", ông Giang nói.