Dù có nhiều nỗ lực từ Trung ương đến địa phương, nhưng hiện nay tình trạng thiếu cát (cát đắp nền, cát xây dựng) cho các dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn rất “nóng”, nhiều công trình đang có nguy cơ chậm tiến độ.
Nhiều dự án thiếu cát trầm trọng
Ngày 26/3, ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết tại gói thầu số 42, dự án Thành phần 1 thuộc dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng (đoạn KM0+314 đến KM17+240) do liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Công ty cổ phần Thiết bị 624 phụ trách, các công nhân đang tập trung thi công các cầu trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cát đắp nền.
Trung tá Lê Xuân Đại - Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11 (Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn) cho biết, đơn vị phụ trách thi công 12,26km đường và 5 cầu tại gói thầu 42. Đến nay, sau gần 1 năm khởi công, tổng giá trị thi công đạt khoảng 175 tỷ đồng (tương đương 10% khối lượng công trình), chậm tiến độ 10% so với kế hoạch.
Theo Trung tá Lê Xuân Đại, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do thiếu hụt nguồn cát. “Gói thầu cần khoảng 3,067 triệu m3 cát. Trước đây, An Giang phân bổ cho dự án 3 mỏ cát là Thủ Tuyền, Tân Hồng, Vạn Hưng Tùng với tổng trữ lượng khoảng 938.000m3 cát. Tuy nhiên, đến nay, tổng khối lượng cát đến được công trường mới đạt khoảng 150.000m3. Trong khi đó, hiện An Giang đã đóng 2 trong số 3 mỏ cát nói trên, chỉ còn mỏ cát Vạn Hưng Tùng đang khai thác nhưng chỉ cung ứng được 500m3 cát/ngày” - ông Đại nói và thông tin thêm: “Với tình hình hiện tại, nguy cơ chậm tiến độ đã thấy rõ. Nhà thầu đang xin cấp thêm mỏ cát để đảm bảo khối lượng cát cho công trình”.
Tương tự Dự án Thành phần 1, hiện Dự án Thành phần 2 thuộc dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng (đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ) cũng đang căng thẳng do thiếu hụt nguồn cát.
Ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết, dự án Thành phần 2 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng cần đến 7 triệu m3 cát. Hiện An Giang đã bàn giao cho Cần Thơ mỏ cát Bình Phước Xuân để khai thác, phục vụ cho dự án. Tuy nhiên, chỉ riêng mỏ cát này là không đủ.
“Mỏ cát Bình Phước Xuân đang được hoàn thiện các thủ tục theo quy định để có thể khai thác được vào tháng 4/2024. Tuy nhiên, đánh giá lại trữ lượng thì mỏ cát này có khoảng 2,3 triệu m3 cát. Như vậy, vẫn còn thiếu khoảng 4,7 triệu m3. UBND TP Cần Thơ vừa làm việc với tỉnh Sóc Trăng để nhờ hỗ trợ nguồn cát. Sóc Trăng đang thăm dò, đánh giá lại trữ lượng cát sông, nếu trữ lượng đúng như khảo sát ban đầu thì có thể cũng cấp cho Cần Thơ 5 triệu m3. Nếu không đủ thì sẽ chuyển sang phương án cát biển” - ông Hiển thông tin.
Quản chặt các mỏ cát
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh An Giang Thái Minh Hiển cho biết, tỉnh đã ký ban hành bản xác nhận thu hồi khoáng sản đối với 10 khu mỏ khai thác cát sông phục vụ thi công các công trình đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (gồm 2 phân đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau) theo cơ chế đặc thù của Quốc hội và Chính phủ với tổng trữ lượng gần 15,52 triệu m3 cát.
“Sở đã bàn giao các bản xác nhận ký cho nhà thầu. Nhà thầu phải thực hiện các công việc cần thiết để đi vào khai thác. Hiện nay chưa có mỏ cát nào đi vào khai thác. Dự kiến, mỏ cát trên sông Hậu đoạn thuộc thị trấn Cái Dầu, xã Bình Long, huyện Châu Phú và xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang được bàn giao cho Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn phục vụ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh An Giang sẽ sớm đi vào khai thác” - Giám đốc Sở TNMT An Giang thông tin
Theo ông Hiển, Sở TNMT An Giang yêu cầu định kỳ hàng tuần (thứ 5) và hàng tháng (ngày cuối tháng), đơn vị được cấp xác nhận thu hồi khoáng sản phải tổng hợp, báo cáo khối lượng khai thác về Sở TNMT. Cùng với đó, các nhà thầu báo cáo định kỳ cho chủ đầu tư dự án về tình hình, thông tin khối lượng cát đã tiếp nhận và thi công đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Sở TNMT An Giang theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình khai thác, tiêu thụ cát dựa trên thông tin “đầu ra” (lượng cát khai thác tại mỏ) và “đầu vào” (lượng cát đưa về công trình cao tốc).
Thí điểm mở rộng dùng cát biển
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thông báo một số kết quả, nội dung chính việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông.
Theo công văn, Bộ GTVT cho biết đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 thuộc dự án đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Kết quả đánh giá của Hội đồng cấp bộ (do Bộ GTVT thành lập) về việc sử dụng cát biển làm nền đường như sau: “Cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm có chỉ tiêu cơ lý đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012 “Nền đường - thi công và nghiệm thu”.
“Bộ TNMT đã thực hiện Dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản tại khu vực tỉnh Sóc Trăng, trong đó đánh giá về cơ bản các chỉ tiêu cát biển vùng biển gần bờ của tỉnh Sóc Trăng đáp ứng các yêu cầu làm vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:20122; đã chuyển giao cho UBND tỉnh Sóc Trăng tài liệu, hồ sơ để tiến hành các thủ tục để khai thác, cung cấp vật liệu cho các dự án theo cơ chế đặc thù quy định tại các Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội” - công văn của Bộ GTVT nêu.
“Liên quan đến việc sử dụng cát biển, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) đã giới thiệu các nhà thầu đến 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng để mở các mỏ cát biển. “Sóc Trăng đã chấp thuận để thực hiện các thủ tục liên quan còn Trà Vinh hiện có văn bản xin ý kiến Bộ TNMT” - ông Lê Đức Tuân - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết.
Tình trạng thiếu cát không chỉ ảnh hưởng đến các công trình cao tốc mà các công trình giao thông, xây dựng cơ bản, các dự án khu công nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL cũng đang gặp khó.
Dù là địa phương “giàu” cát với khá nhiều mỏ, thế nhưng tình hình nguồn vật liệu san lấp cho các công trình giao thông tại tỉnh Đồng Tháp cũng khá căng thẳng. Sở GTVT tỉnh cho biết, đang thực hiện 2 dự án giao thông là dự án đường ĐT.857 và dự án đầu tư nâng cấp quốc lộ 30, đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự (giai đoạn 3). Trong đó, dự án DT.857 đang gặp khó vì thiếu cát.
“Năm 2024, dự án đường ĐT.857 cần 1,6 triệu m3 cát. Trong khi đến tháng 9/2024 mới có được nguồn cát cho dự án, nhưng cũng chỉ được khoảng 650.000m3, còn thiếu tới 1 triệu m3” - ông Nguyễn Hoàng Hơn - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp thông tin.
Trước tình hình trên, giới chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu thay thế cát sông trong công trình hạ tầng giao thông như cát biển, tro xỉ nhiệt điện… để tiết kiệm cát sông. Tuy nhiên, cần thiết phải có những nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường, hệ sinh thái cũng như tính hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật và môi trường đối với các vật liệu này.
Nghiên cứu phương án mua cát từ Campuchia
Cùng với việc khan hiếm cát cho các cao tốc, trong năm 2024, hàng loạt dự án được triển khai sẽ khiến nguồn cát tiếp tục khan hiếm. Tại TP Cần Thơ, ngoài các dự án hạ tầng giao thông, chỉ tính riêng dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ (giai đoạn 1), mới khởi công vào tháng 9/2023, nhu cầu cát san lấp đã lên đến 9 triệu m3. Trong bối cảnh Cần Thơ đang định hướng mở rộng khu công nghiệp này thêm 600ha, cũng như thu hút thêm nhiều khu công nghiệp, thì cát càng trở thành một bài toán khó đối với địa phương. Trước tình trạng trên, ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết, địa phương đang tính phương án mua cát cho các dự án, trong có phương án mua cát từ Campuchia. “Hiện có nhiều doanh nghiệp chào bán cát Campuchia và mới đây, Lãnh sự quán Campuchia tại TPHCM có gửi văn bản đăng ký lịch làm việc với TP Cần Thơ xung quanh về vấn đề cung cấp cát. Cát của họ thì nhiều nhưng vấn đề chính nằm ở giá. Cũng có chỗ chào giá 300.000 đồng/m3 nhưng trong dự toán các công trình thường chỉ dự toán giá cát 200.000 đồng/m3, cho nên vấn đề lớn nhất chính là giá cả” - ông Hiển chia sẻ.