Thời tiết thất thường, cộng với nhiều hoạt động của người dân trong giai đoạn thu hoạch lúa Đông Xuân như thả vịt chạy đồng ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang tiềm ẩn nguy cơ nhiều ổ dịch bệnh gia cầm xuất hiện…
Hiện vịt chạy đồng được thả nuôi rất nhiều ở các tỉnh thành vùng ĐBSCL.
Cuối tháng 1/2017 Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang đã phát hiện và tiêu hủy hơn 800 con gà nhiễm cúm H5N1 của ông Nguyễn Văn Thành ở ấp 6, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ.
Theo như ông Thành, toàn bộ số gà này được ông mua từ tỉnh Trà Vinh, bình quân mỗi con đạt trọng lượng hơn 1kg. Mặc dù ông Thành đã tự mua thuốc về tiêm ngừa và điều trị bệnh, nhưng tất cả đều không khỏi mà chết dần, ước tính thiệt hại ban đầu hơn 12 triệu đồng.
Đa số những đàn gia cầm bị bệnh đều có xuất xứ con giống không rõ ràng, ngành chức năng đã khuyến cáo nhiều nhưng nhiều hộ dân đã bỏ qua, vì vậy nhiều gia đình trắng tay vì dịch bệnh.
Sau Hậu Giang vài ngày thì ngành Thú y tỉnh Bạc Liêu cũng đã tiêu hủy toàn bộ đàn gà 1.700 con, nuôi được hơn 1 tháng tuổi của hộ ông Võ Thanh Tùng ở ấp Vĩnh Phú A, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, Bạc Liêu. Sau khi số gà có biểu hiện bất thường và chết dần, ông Tùng đã nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng đến kiểm tra, kết quả là đàn gà của gia đình ông Tùng đã dương tính cúm A H5N1.
Ghi nhận của phóng viên mặc dù các cơ quan chức năng đều cam kết các ổ dịch đã được xử lý dứt điểm không chỉ trong phạm vi bùng phát bệnh mà còn xử lý rộng rãi trên địa bàn.
Tuy nhiên theo khuyến cáo của cán bộ thú y các tỉnh thì hàng năm các vụ thu hoạch lúa và nhất là vụ Đông xuân, người dân vùng ĐBSCL có thói quen thả nuôi vịt chạy đồng, hàng trăm ngàn con vịt được thả trôi nổi tự do không được kiểm soát, thậm chí không được kiểm nghiệm, con giống cũng không được kiểm soát chặt, đây sẽ là nguy cơ xảy ra các ổ dịch bệnh gia cầm có thể bùng phát trên diện rộng…
Theo báo cáo sơ bộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, tổng đàn gia cầm lên tới hơn 2 triệu con. Các đàn vịt hàng nghìn con chạy từ xã, huyện này sang xã, huyện này khác, rất khó kiểm soát.
Đáng lo ngại là khi xảy ra các bệnh thông thường trên gia cầm nhiều người dân vô tư vứt ra đồng ruộng, thậm chí là vứt xuống một số tuyến kênh, rạch không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước, không khí mà nguy cơ phát tán mầm bệnh rất cao…
Ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang cho biết: mặc dù ổ dịch gia cầm của Hậu Giang đã được khống chế, nhưng ngành chăn nuôi và thú y tỉnh không thể lơ là trong công tác giám sát, tích cực phòng chống dịch bệnh.
Đối với đàn nuôi mới, đàn hết hạn miễn dịch trên địa bàn tỉnh sẽ sớm được tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm. Mặt khác, tăng cường giám sát ổ dịch và vùng lân cận, theo dõi chặt tình hình chăn nuôi trên địa bàn…
Theo cơ quan chuyên môn, vi-rút cúm gia cầm H5N1 có khả năng lây sang người qua các con đường như: mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm bệnh, chết, hoặc không rõ nguồn gốc; do ăn tiết canh, thịt, trứng gia cầm chưa được nấu chín kỹ; do vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi gia cầm không dùng đồ bảo hộ.
Triệu chứng cúm gia cầm H5N1 cũng giống với triệu chứng thông thường, nhưng một số điểm đặc biệt là sốt cao từ 39 độ trở lên và sốt liên tục, đau đầu, đau cơ; có những trường hợp đau bụng, nôn ói.
Đặc biệt bệnh này thường xảy ra trường hợp viêm kết mạc mắt. Nặng hơn, có thể xảy ra tình trạng khó thở, suy hô hấp, suy tuần hoàn dẫn đến tử vong.