Sự việc hàng trăm người không được bay sang Hàn Quốc theo hứa hẹn của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên đề nghị Công an vào cuộc điều tra, làm rõ.
Bị hủy lịch xuất cảnh đột ngột ngay tại sân bay
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền nhiều video ghi lại cảnh hàng trăm người dân tập trung ở Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam (Công ty Educa Việt Nam, trụ sở tại số 78 Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để yêu cầu Công ty này làm rõ việc dời thời gian đi Hàn Quốc làm việc.
Theo thông báo của Công ty Educa Việt Nam, người lao động sẽ xuất cảnh đi Hàn Quốc lúc 23 giờ 10 ngày 22/9. Theo thông báo này, danh sách xuất, nhập cảnh có đóng dấu của doanh nghiệp bảo lãnh, được Cục Xuất nhập cảnh chấp thuận vào Hàn Quốc. Tối 22/9, Công ty Educa Việt Nam đã thông báo cho khoảng 200 người tập trung và làm thủ tục xuất cảnh. Tuy nhiên, gần đến giờ bay, người lao động lại nhận được thông atin hoãn xuất cảnh. Theo phản ánh, nhiều người lao động đã đóng cọc số tiền từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mà chưa được xuất cảnh đúng hẹn nên rất hoang mang. Bất bình về sự việc, ngay trong đêm 22/9, họ rời sân bay về vây quanh trụ sở Công ty này để yêu cầu làm rõ.
Ngay sau sự việc, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) khẳng định, Công ty Educa Việt Nam không được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, nhận định rằng, đây là vụ việc lớn, phức tạp, liên quan đến số lượng lớn người lao động, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Để kịp thời xử lý vụ việc và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thông tin và đề nghị Công an TP Hà Nội, Sở LĐTBXH TP Hà Nội kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước phát đi cảnh báo tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, khuyến cáo người lao động, nhưng vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng đối tượng môi giới đưa tin, lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc theo diện Sisa E8.
Chương trình lao động thời vụ diện visa E8 là chương trình hợp tác trực tiếp giữa địa phương của Việt Nam với địa phương của Hàn Quốc trên cơ sở bản Thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa địa phương hai nước để tuyển chọn đưa người lao động cư trú tại địa phương sang làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc theo Chương trình này. Đến nay, có 17 địa phương trong nước ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động thời vụ đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E8. Tại các địa phương triển khai chương trình này, việc tuyển chọn, làm hồ sơ, thủ tục và đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc do cơ quan chức năng của địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện.
Để tránh bị lừa đảo, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình lao động thời vụ visa E8 chỉ liên hệ trực tiếp với Sở LĐTBXH nơi cư trú để tìm hiểu thông tin liên quan và làm các thủ tục cần thiết. Tuyệt đối không nghe theo các thông tin quảng cáo không chính thống và không liên hệ với các tổ chức, cá nhân trung gian, môi giới.
Có thể bị phạt tù chung thân
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TGS (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, lừa đảo xuất khẩu lao động để chiếm đoạt tài sản là hành vi gian lận hoặc lừa đảo mà một tổ chức hoặc cá nhân thực hiện bằng cách hứa hẹn cung cấp cơ hội làm việc ở nước ngoài cho những người muốn đi làm việc tại các quốc gia khác, nhưng sau đó sử dụng các biện pháp gian lận để chiếm đoạt tiền của họ hoặc tài sản khác. Điều này có thể bao gồm việc yêu cầu khoản phí cao, không cung cấp công việc như đã hứa, hoặc buộc họ làm việc trong các điều kiện không an toàn hoặc không công bằng.
Theo luật sư Tuấn, hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động để chiếm đoạt tài sản là một loại hình tội phạm nghiêm trọng và cần bị xử phạt nghiêm minh để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Theo quy định của Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), những người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và giá trị của tài sản bị chiếm đoạt có thể bị phạt tù từ một thời gian nhất định đến tù chung thân.
Cụ thể, nếu hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động để chiếm đoạt tài sản mà có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng... có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tuy nhiên, nếu hành vi lừa đảo này có tính chất nghiêm trọng hơn, như có tổ chức, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức, dùng thủ đoạn xảo quyệt, thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Đối với các trường hợp nghiêm trọng hơn nữa, như chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Đối với những hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động để chiếm đoạt tài sản có tính chất vô cùng nghiêm trọng, như chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, người phạm tội có thể đối mặt với mức án cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc thậm chí là án tù chung thân.