Một bệnh nhân đầu tiên tại Mỹ được chẩn đoán nhiễm virus 2019-nCoV đã bị đi ngoài lỏng trong 2 ngày và sau đó virus corona được tìm thấy trong chất thải của người bệnh này.
Bệnh nhân nhiễm virus 2019-nCoV được điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 5/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN).
gày 7/2, các nhà khoa học nói rằng tiêu chảy có thể là con đường lây lan thứ hai của chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp.
Trước đó, con đường lây bệnh chính được cho là do dịch chứa virus bị phát tán khi người bệnh ho.
Nguyên nhân là do các nhà nghiên cứu ban đầu tập trung chủ yếu vào những bệnh nhân có triệu chứng về hô hấp và có thể đã bỏ qua mối liên hệ với tiêu hóa.
Trong số 138 bệnh nhân được nghiên cứu tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán, thì có 14 người có triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn trong 1-2 ngày trước khi bị sốt và khó thở.
Công trình này của các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã được đăng trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA).
Trong khi đó, bệnh nhân Mỹ đầu tiên được chẩn đoán nhiễm virus 2019-nCoV cũng đã bị đi ngoài lỏng trong 2 ngày và sau đó virus đã được tìm thấy trong chất thải của người bệnh.
Những trường hợp tương tự cũng đã được ghi nhận trong nghiên cứu của Trung Quốc đăng trên tạp chí Lancet.
William Keevil, Giáo sư về chăm sóc sức khỏe môi trường tại Đại học Southampton, nhấn mạnh điều quan trọng là virus 2019-nCoV đã được tìm thấy trong chất thải của những bệnh nhân đau bụng, tương tự như virus gây Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) từng được phát hiện trong nước tiểu trước đây.
Điều này cho thấy nguy cơ lây truyền qua đường chất thải là rất cao.
Nguy cơ này không hề gây ngạc nhiên cho giới khoa học, do virus mới này cùng họ với SARS.
Việc virus gây SARS lây truyền qua đường chất thải bị cho là nguyên nhân khiến hàng trăm người đổ bệnh tại khu chung cư Amoy Gardens ở Hong Kong vào năm 2003.
Luồng không khí ấm từ các nhà tắm của những căn hộ chứa virus đã theo gió lan truyền đến các tòa nhà bên cạnh.
Kỹ sư sinh học Jiayu Liao tại Đại học California cho hay hiện chưa rõ virus này có thể sống bao lâu bên ngoài cơ thể và mức nhiệt độ nào khiến virus 2019-nCoV trở nên nhạy cảm.
Nhà nghiên cứu dịch bệnh David Fisman nhận định việc virus lây truyền qua đường chất thải có thể đặt ra thách thức mới cho công tác kiểm soát virus.
Nhiều khả năng nó sẽ là vấn đề lớn trong các bệnh viện, bởi nơi đây có thể trở thành nguồn khuếch tán virus.
Trong khi đó, chuyên gia virus Benjamin Neuman lại thận trọng cho rằng dù việc lây truyền qua đường chất thải rất đáng để xem xét, song dựa trên các dữ liệu hiện nay, dịch nhầy và việc chạm vào bề mặt chứa virus rồi đưa tay lên mắt, mũi, mồm nhiều khả năng vẫn là con đường lây lan chính.