Thống kê của Viện Khoa học hình sự, tính đến tháng 6/2021, đã phát hiện thêm 8 chất có tính năng, tác dụng tương tự như ma túy nhưng chưa có tên trong danh mục Nghị định 60/2020/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành.
Thủ đoạn của các đối tượng là khi một chất bị phát hiện và đưa vào Danh mục thì chúng lại sử dụng một chất hoàn toàn mới để lách luật (năm 2020 sử dụng chất MDMB-4en-PINACA).
Thực tế, có một số vụ việc khi bị bắt, các đối tượng khai nhận, cũng đã nghiên cứu kỹ danh mục chất ma túy của Việt Nam và khó xử lý được đối tượng với các mẫu vật thu được. Qua giám định đã phát hiện thủ đoạn rất tinh vi của tội phạm ma túy là dùng dẫn xuất của một chất ma túy phối trộn tạo ra viên nén để sử dụng, sau khi uống viên nén này vào cơ thể người sẽ chuyển hóa, giải phóng ra chất ma túy.
Nhiều đối tượng hòa tan chất hướng thần vào các chai, lọ đựng dung dịch thuốc lá điện tử (giữ nguyên chai, lọ đựng; màu sắc, mùi vị của dung dịch) và dùng dụng cụ hút thuốc lá điện tử để sử dụng trái phép; phun, tẩm chất hướng thần vào sợi thuốc lào (loại thuốc lào sẵn có trên thị trường) để sử dụng…
Theo Thượng tá, TS Đặng Văn Đoàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, tội phạm ma túy đã lợi dụng thành tựu của công nghệ hóa học, dược học để phạm tội và che giấu hành vi phạm tội. Số lượng chất ma túy hiện nay được quản lý tăng lên gấp hơn hai lần so với trước (có 543 chất ma tuý và 57 tiền chất).
Vì vậy, phải kiểm soát thật tốt nguồn cung ma túy ngay từ cửa khẩu, từ biên giới. Trong nội địa cần phải kiểm soát chặt chẽ các hóa chất, tiền chất cũng như các loại thuốc tân dược, thuốc thú y có liên quan. Đối với các chất mới chưa có trong danh mục cần sớm bổ sung vào danh mục chất ma túy cần kiểm soát tại Việt Nam.