Ngày 12/1, một bé trai 2,5 tháng tuổi ở Bắc Giang đã ngưng thở do sặc, khi người nhà dùng xilanh bơm nước muối sinh lý để rửa mũi cho bé. May mắn người nhà đã kịp thời hô hấp nhân tạo cho bé trước khi đưa vào viện cấp cứu.
Rửa mũi cho trẻ là biện pháp được nhiều mẹ áp dụng mỗi khi trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi… Tuy nhiên, rửa mũi không đúng cách có thể gây ra vô vàn tác hại như viêm tai giữa, chảy máu mũi, đau hốc mũi, thậm chí có trường hợp còn nguy hiểm đến tính mạng.
Trường hợp của bé trai ở Bắc Giang chỉ là một trong nhiều trường hợp bé bị nguy hiểm khi cha mẹ rửa mũi không đúng cách. Bởi khi rửa mũi, trẻ thường bị giật mình do động tác bơm rửa mũi nên dễ bị hít sặc nước muối, dẫn đến tím tái, ngưng thở, thiếu oxy lên não. Chính vì vậy, cha mẹ cần lưu ý những nguy cơ có thể xảy ra cho bé khi thực hiện động tác này.
Trẻ có thể bị sặc
Đáng lưu ý là các loại xilanh cha mẹ dùng để rửa mũi cho trẻ thường có áp lực cao, dễ gây sặc. Khi trẻ vừa khóc, vừa sặc rất nguy hiểm bởi nước có thể vào đường thở của trẻ, vào phổi. Thậm chí, nếu nguy hiểm, trẻ có thể ngưng thở, thiếu oxy lên não gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trẻ bị sang chấn tâm lý
Nếu trẻ đã từng bị sặc sẽ rất sợ mỗi khi nhìn thấy bố mẹ chuẩn bị dụng cụ để rửa mũi. Sợ hãi sẽ tạo thành phản ứng bảo vệ, khiến trẻ căng cứng mình, không hợp tác việc rửa mũi hoặc gào thét, lại dẫn đến sặc hoặc không rửa mũi thành công.
Tổn thương niêm mạc
Việc hút mũi, rửa mũi trẻ với áp lực không chính xác hoặc mạnh quá có thể gây tổn thương niêm mạc mũi. Đầu xilanh nhọn và sắc cũng dễ gây chảy máu mũi, xước niêm mạc mũi của trẻ.
Nhiễm trùng nặng hơn
Dụng cụ rửa mũi không được làm sạch, không được hấp tiệt trùng, tay người thực hiện không rửa sạch chính là nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm trùng nặng hơn. Tại bệnh viện, tất cả các dụng cụ rửa mũi, hút mũi đều phải được hấp tiệt trùng để đảm bảo vô trùng.
Viêm tai giữa
ThS.BS Đào Đình Thi – Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương cho biết: Chỉ dùng xilanh rửa mũi khi không viêm. Nếu mũi đang bị viêm (ngạt mũi) mà bơm nước muối sinh lý vào một bên thì bên kia sẽ không chảy ra được. Nước muối bị tắc sẽ xì ra hai bên tai, tồn đọng ở tai cộng với dịch mũi chảy ngược lên sẽ gây viêm tai giữa.
BS khuyến cáo, chỉ nên dùng xilanh cho những trường hợp bị viêm mũi mạn tính nhưng mũi vẫn thông. Nếu mũi bị nghẹt thì tuyệt đối không áp dụng cách này. Nếu vẫn muốn rửa mũi bằng xilanh thì cần nhỏ thuốc co mạch để thông mũi rồi mới bơm dung dịch rửa mũi vào, tránh gây viêm tai giữa. Chính vì không hiểu điều này nên nhiều mẹ “kêu ca” về việc rửa mũi gây viêm tai giữa.
Để tránh gặp phải những trường hợp trên, cha mẹ cần lưu ý rửa mũi đúng cách hoặc chỉ thực hiện vệ sinh mũi . Theo các bác sĩ, khi trẻ bị ngạt mũi, sổ mũi, mẹ cần nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào mũi trẻ cho loãng dịch mũi. Với trẻ trên 6 tháng tuổi, cha mẹ có thể dùng dụng cụ xịt mũi dạng phun sương để xịt nhẹ 1-2 lần vào mỗi bên lỗ mũi trẻ. Chờ vài phút rồi hướng dẫn trẻ xì mũi ra. Nếu trẻ chưa biết xì mũi thì có thể làm bấc sâu kèn để lấy gỉ mũi và nước mũi ra ngoài.