Đại dịch Covid-19 đã kéo theo hoạt động mua bán lừa đảo ngày càng bùng nổ trên các trang mạng Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok… thông qua việc gửi link chứa mã độc, đăng video, bài quảng cáo về sản phẩm không đúng với bản chất thật của hàng hoá đang khiến người tiêu dùng không khỏi khó chịu, thậm chí bất bình.
Mặc dù từ khi có Nghị định số 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, quảng cáo rác... có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng này xuất hiện trở lại và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt thông tin quảng cáo xen lẫn nội dung lừa đảo được phát tán không kiểm soát.
Thời gian gần đây hàng loạt quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, điển hình là Youtube, thường xuyên xuất hiện chen vào giữa nội dung của các clip với âm thanh lớn, ảnh hưởng cảm xúc của người xem, nhất là với video rèn luyện sức khỏe tại nhà mùa dịch hoặc chăm sóc sức khỏe gia đình...
Anh Nam (Linh Đàm, Hà Nội) bức xúc: Tranh thủ những ngày giãn cách để rèn luyện sức khỏe bản thân bằng các bài tập bổ trợ tại nhà, tuy nhiên, tôi cảm thấy rất khó chịu khi trong các video xuất hiện quá nhiều quảng cáo.
Nhiều khi đang thực hiện động tác trong bài thể dục, tôi phải rồi bỏ vị trí của mình để ấn bỏ qua quảng cáo. Thậm chí nhiều quảng cáo còn buộc phải xem hết nội dung mà tôi không được lựa chọn tắt (trước đây có thể tắt quảng cáo nếu không muốn mất thời gian), anh Nam bày tỏ.
Không chỉ quảng cáo tràn lan với các hình thức khiến người xem khó chịu, nội dung của nhiều quảng cáo trực tuyến còn nhảm nhí, không đúng sự thật, thổi phồng công dụng quá mức, gây hậu quả khôn lường.
Ngoài ra, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) (Cục An toàn thông tin) cũng đưa ra cảnh báo về hành vi của một số đối tượng lừa đảo trên mạng lợi dụng thời gian tiếp cận mạng xã hội của người dùng để phát tán mã độc ẩn dưới link và người dùng thường ít chú ý khi click và truy cập các thông tin này.
Theo đó, những kẻ tấn công có thể phát tán mã độc mã hóa dữ liệu (ransomware), email lừa đảo và các phần mềm độc hại, tận dụng các từ khóa liên quan đến Covid-19 để lừa người dùng nhấp vào liên kết độc hại... Rất nhiều phương thức tấn công có thể được sử dụng, và khi thành công, hacker có thể xâm nhập vào email, máy tính của người dùng, đánh cắp thông tin và các thông tin có giá trị khác.
Bên cạnh những quảng cáo không phù hợp với nội dung video trên nền tảng Youtube, Facebook… khiến người xem cảm thấy bất tiện, khó chịu thì một số quảng cáo thổi phồng trên Tiktok lại khiến người xem hoang mang về giá trị thật của sản phẩm.
Đánh vào tâm lý người xem về vấn đề hình thể và nhu cầu tương tác cao trong đại dịch Covid-19, một số clip quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã thổi phồng công dụng của sản phẩm bằng nhiều phương pháp như nhịn ăn, uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, tác dụng với các dạng viên uống, viên sủi, café, caocao, trà... khiến người mua lâm vào tình trạng tiền mất tật mang.
Điển hình như các video quảng cáo sản phẩm Viên sủi cam đang có dấu hiệu "thổi phồng" công dụng. Sản phẩm này được quảng cáo với những công dụng như “thần dược", “bay vèo vèo 8kg - 10 kg mỡ thừa”, “không cần ăn kiêng - tập luyện”, "ai cũng có thể dùng được"...
Điều đặc biệt, trong các video quảng cáo trên TikTok, Facebook hay là cả YouTube... không chỉ diễn viên, nghệ sĩ, người nổi tiếng mà còn xuất hiện rất nhiều cá nhân với danh xưng “Giám đốc kinh doanh”, Giám đốc chi nhánh”, “Tổng kho phân phối”… của một công ty nào đó cũng đua nhau "thổi phồng" công dụng của sản phẩm với các thành phần giúp "giảm cân nhanh chóng", "giảm mỡ thừa" và đặc biệt là "chỉ sau vài tháng sử dụng".
Theo cảnh báo của Cơ quan quản lý thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA): Nếu bạn đang tự tìm đến các sản phẩm thực phẩm chức năng mà theo quảng cáo sẽ làm cho bạn giảm cân một cách ngoạn mục, thì đừng nên tin, nếu không bạn có thể vô tình đang tự gây hại đến sức khỏe của chính mình một cách trầm trọng. Cơ quan này đã phát hiện hàng trăm sản phẩm được bán trên thị trường dưới dạng TPCN nhưng thực chất trong thành phần có chứa các chất có hoạt tính là những đơn chất hay hợp chất của thuốc tân dược. Các thuốc tân dược này có trong danh sách các thuốc bắt buộc thuốc phải kê đơn và có loại đã bị rút ra khỏi thị trường do tác dụng không mong muốn hay chưa được nghiên cứu phù hợp trên người.
Có thể thấy, xu hướng quảng cáo trên các trang mạng xã hội trong mùa dịch đang trở thành mảnh đất béo bở để các đối tượng lừa đảo hoành hành. Vì vậy, trước khi có ý định tìm hiểu, mua sắm hoặc tham gia bất cứ công việc nào trên mạng, người dùng Internet cần có ý thức tự bảo vệ mình, tránh lạc vào “ma trận” mánh khóe, chiêu trò của những kẻ lừa đảo.