Bất động sản

Cảnh báo ‘thổi giá’ chung cư

PHƯƠNG CHI 26/11/2023 09:09

Cuối năm, người dân có nhu cầu tìm mua chung cư tăng cao. Tuy nhiên, có nhiều phản ánh giá chung cư “leo thang” do môi giới làm giá.

bai-nho-2-.jpg
Việc tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường phần lớn là do đội môi giới không chuyên nghiệp, hoạt động tự do. Ảnh: Việt Khánh.

Theo ghi nhận, nhiều dự án nhà ở và đất nền trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đều gặp phải tình trạng bị môi giới “thổi giá” quá cao so với mức giá sàn mà chủ đầu tư mở bán khiến người mua thực không dễ tiếp cận với sản phẩm.

Thời điểm này, nhu cầu mua chung cư gia tăng tại Hà Nội và một số thành phố lớn đã đẩy giá chung cư lên cao. Lý giải về việc giá nhà chung cư ngày càng đắt đỏ, giới chuyên gia bất động sản cho rằng, thị trường chung cư tại Hà Nội hiện cơ bản không có nguồn cung, khiến mức giá bán đang neo cao.

Đặc biệt, phân khúc căn hộ bình dân ngày càng hạn hẹp bởi giá trị đất tăng cao, cùng giá nguyên vật liệu xây dựng cũng tăng mạnh khiến các chủ đầu tư buộc phải tăng giá trị căn hộ. Từ quý III đến nay, căn hộ có giá bán từ 2-4 tỷ đồng là sản phẩm có mức độ quan tâm nhiều nhất tại sàn giao dịch trực tuyến Batdongsan.com.vn (chiếm đến 47% lượng tìm kiếm căn hộ).

Nhận định về thị trường chung cư, ông Lê Bảo Long - Giám đốc Chiến lược của Batdongsan.com.vn cho biết, việc mua chung cư đang ngày càng khó khăn đối với người dân do tốc độ gia tăng thu nhập không thể theo kịp tốc độ tăng giá nhà. Trong tương lai, các dự án chung cư sơ cấp cũng sẽ có giá bán cao hơn bởi chủ đầu tư cần tối ưu hóa lợi nhuận trong bối cảnh các chi phí bị đẩy lên.

Thực trạng này dẫn tới một trong những hệ luỵ giá chung cư bị “thổi” quá cao gây khó khăn cho người tiêu dùng. Gần 2 tuần qua chị Nguyễn Thu Anh (Quảng Ninh) tìm mua căn chung cư tại Hà Nội. Qua khảo sát trên trang web của Công ty Liên doanh Xuân Mai Corp, chị Thu Anh thông tin, hiện tại giá bán dự án chung cư Rose Town (79 Ngọc Hồi, Hoàng Mai, Hà Nội) được chủ đầu tư công bố ra thị trường với mức giá ưu đãi chỉ từ 33 - 34 triệu/m2 (gồm VAT và nội thất tiêu chuẩn). Như vậy, căn 2 phòng ngủ diện tích từ 71 - 78 m2 có mức giá từ hơn 2,4 tỉ đồng; căn 3 phòng ngủ, diện tích 88 - 104 m2, giá từ hơn 2,9 tỉ đồng.

“Tuy vậy, qua môi giới, mỗi mét vuông nhà được đẩy lên vài triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng so với giá chủ đầu tư công bố, vì thế người đi mua nhà gặp không ít khó khăn. Tất nhiên giá của chủ đầu tư đưa ra là vậy nhưng người mua nhà phải thông qua môi giới hoặc các sàn giao dịch nên phải trả giá chênh lệch khá lớn”, chị Thu Anh cho biết.

Chị Thu Anh còn cung cấp thêm chi tiết, để thuyết phục hàng, phía môi giới thực hiện cách thức rất chuyên nghiệp khi lập ra các Fanpage, hội nhóm mạng xã hội và website chuyên rao bán nhà, đất rồi thay phiên nhau rao bán nhà, đất ở mức giá cao. Các môi giới còn liên kết với nhau để tự tương tác, bình luận khen ngợi về mảnh đất, căn hộ hoặc tự tạo ra các giao dịch mua bán bất đồng sản ảo nhằm tạo sự tin tưởng từ phía người mua thiếu hiểu biết.

Tương tự, anh Dương Văn Tân (quận Đống Đa, Hà Nội) đang mong muốn đổi căn chung cư cũ sang chỗ ở mới tại dự án Chung cư Ngoại giao Đoàn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Theo tìm hiểu của anh Tân, giá căn hộ ở khu vực này được rao bán phổ biến trong khoảng 45 - 55 triệu đồng/m2, tùy tầng và góc. Để sở hữu một căn hộ 3 phòng ngủ diện tích 103m2 thì phải bỏ ra từ 4,6 - 5,6 tỉ đồng.

“Nhưng đó chỉ là giá bán nhà đầu tư đưa ra, còn khi tới sàn giao dịch, qua môi giới, mức giá được “thổi” lên từ 70 - 75 triệu/m2 khiến căn chung cư 103m2 tăng thêm hơn 2 tỉ đồng. “Với mức giá đắt đỏ, môi giới nêu lý do khu vực này đang “sốt” nên nếu không nhanh tay là có người khác “chốt hạ” ngay”, anh Tân ngậm ngùi nói, đồng thời lùi kế hoạch đổi nhà.

Có kinh nghiệm hơn trong các giao dịch mua bán, bà Ngô Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đã tìm mua được căn nhà tại khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) đã qua sử dụng với giá 2,3 tỉ đồng có diện tích 90m2. “Khi hỏi qua 1 sàn giao dịch, căn hộ lên tới 2,8 tỉ đồng. Tôi đã tìm cách để liên hệ với chủ nhà và mua rẻ hơn 500 triệu đồng. Sau đó chúng tôi trao đổi về chi hoa hồng cho môi giới là 100 triệu đồng. “Để mua nhà không bị hớ thì nên chủ động khảo sát và so sánh giá nhà với các căn hộ tương tự ở cùng dự án, cùng khu vực, cùng phân khúc. Nếu thấy mức giá chênh quá cao so với giá môi giới đưa ra thì cần cân nhắc trả giá hoặc tìm đến chủ nhà. Mặt khác, khi mua được nhà cũng nên trả hoa hồng cho môi giới”, bà Thủy chia sẻ kinh nghiệm.

Dù vậy, liên quan tới thực trạng môi giới ăn “chênh lệch” quá nhiều, một chuyên gia bất động sản cho rằng, hiện nay không hiếm môi giới dùng chiêu trò “lướt sóng” để ăn lợi nhuận bằng cách chỉ đặt cọc với chủ nhà, chủ đất sau đó rao bán lại, khi có khách mua thì họ sang tay ngay để ăn chênh lệch. Nhưng mức chênh lệch ấy cần phù hợp, không nên quá cao so với thị trường, khiến người mua mất dần lòng tin. Do đó người mua nhà cần tỉnh táo trước các chiêu trò của môi giới.

Từ những dẫn chứng trên, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (VARS) khuyến cáo người mua nhà, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước các chiêu trò của môi giới bất động sản để tránh mất thêm tiền. Tình trạng này xuất hiện tạo ra sự hỗn loạn cho thị trường và thông tin trở nên bát nháo. Tức là trên thị trường có nhiều giá bán như: giá trần, giá làm hàng, giá chênh… từ đó tạo ra một thị trường không chuyên nghiệp, thiếu minh bạch.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng việc tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường phần lớn là do đội môi giới không chuyên nghiệp, hoạt động tự do. Những người này tung tin, tạo sốt ảo, kịch bản này diễn ra nhiều lần nên cần phải có biện pháp mạnh để xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo ‘thổi giá’ chung cư